Chỉ có 2 đơn vị trúng thầu, lý do NHNN "ế" hơn 13.000 lượng vàng miếng 

Trong phiên đấu thầu diễn ra vào hôm nay 23/4, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với 3.400 lượng vàng trong số 11 đơn vị tham gia đấu thầu vàng miếng. 

Sáng ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng SJC tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. 

Chỉ có 2 đơn vị trúng thầu

Tham gia đấu thầu có 7 ngân hàng gồm VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp gồm SJC, Doji, PNJ, Phú Quý.

Nhưng sau phiên đấu thầu, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với số lượng là 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Mức giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.

Ở phiên đấu thầu vàng miếng hôm nay, giá tham chiếu để có thể tính giá trị đặt cọc được hạ xuống còn 80,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn mức giá tham chiếu dự kiến áp dụng cho phiên đấu thầu vàng ngày 22/4 là 1,1 triệu đồng/lượng. Trong khi trước đó, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng.

2-don-vi-trung-thau-vu-dau-thau-vang-1713866515.jpg
Việc NHNN tiến hành đấu thầu vàng miếng nhằm tăng cung nguồn vàng miếng và "hạ nhiệt" giá vàng ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Internet

Thông tin trước đó cho hay, tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu lần này khoảng 16.800 lượng, trong đó khối lượng vàng miếng mỗi lô giao dịch là 100 lượng/lô. Đây là vàng miếng SJC được NHNN tổ chức sản xuất. 

Động thái này đưa ra nhằm tăng cung nguồn vàng miếng, "hạ nhiệt" giá vàng ở thời điểm hiện tại. 

Đây cũng là phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau hơn 1 thập niên ngừng hoạt động. Trước đó vào tháng 3/2013, NHNN cũng đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng miếng để ổn định nguồn cung cho thị trường kim loại quý. 

Lý do NHNN "ế" hơn 13.000 lượng vàng miếng

Chia sẻ trên báo Pháp luật TPHCM về kết quả đấu thầu vàng miếng lần này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam - ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng việc NHNN đấu thầu vàng ở bối cảnh hiện tại khi giá vàng miếng SJC bán ra trên thị trường ở mức 83,5 triệu đồng/lượng và yêu cầu mua tối thiểu 1.400 lượng khiến cho nhiều đơn vị đấu thầu phải cân nhắc. 

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng bối cảnh thị trường vàng tại Việt Nam hiện nay đã khác rất nhiều so với thời điểm năm 2013 khi lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trên thị trường đã tụt giảm đi khá nhiều. 

Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp kinh doanh vàng chỉ còn tập trung vào một số đơn vị lớn như SJC, PNJ, Phú Quý, Doji... Do đó, nhu cầu về vàng miếng cũng không thể lớn hơn so với cách đây hơn 1 thập niên. 

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, tại cuộc họp đại cổ đông diễn ra vào sáng ngày 23/4, CEO của TPbank - ông Nguyễn Hưng cho rằng hiện nay, trung bình một doanh nghiệp mỗi ngày bán ra khoảng 200-300 lượng vàng (trên địa bàn Hà Nội) trong khi quy định đấu thầu mỗi doanh nghiệp phải mua tối thiểu 1.400 lượng vàng - một con số hơi nhiều giữa tình hình cung cầu hiện tại. 

"1.400 lượng vàng có thể tương đương từ 1 tuần đến nửa tháng bán ra của một doanh nghiệp kinh doanh vàng bình thường, mà trong bối cảnh giá vàng biến động thất thường như hiện nay, không khó để lý giải tại sao doanh nghiệp có những cân nhắc khi quyết định có tham gia đấu thầu vàng hay không", ông Hưng nêu thực tế, Pháp luật TP HCM dẫn lời. 

Chính vì thế, vị này đề xuất NHNN điều chỉnh quy định, giảm lương mua tối thiểu để việc đấu thầu vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp. 

Ngoài ra, một trong những lý do nữa khiến NHNN "ế" lượng vàng khá lớn trong phiên đấu thầu, chính là do các doanh nghiệp cũng cần ưu tiên kinh doanh các sản phẩm vàng mang thương hiệu của mình, nên việc "ôm" quá nhiều vàng miếng SJC thời điểm hiện tại không phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp. 

   Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước hủy phiên đấu thầu vàng trước "giờ G"

Vàng trong nước tụt giảm sau phiên đấu thầu

Ngay trước và sau khi phiên đấu thầu vàng diễn ra, giá vàng trong nước đã có những phản ứng tích cực khi có dấu hiệu "hạ nhiệt" rõ ràng. 

2-don-vi-trung-thau-vu-dau-thau-vang2-1713866515.jpg
Vàng thế giới lao dốc giữa tình hình địa chính trị bất ổn. Ảnh: Kitco

Mặc dù vàng SJC đã giảm trong phiên giao dịch ngày 22/4 và 23/4 nhưng mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra hiện vẫn được duy trì ở ngưỡng cao. 

Trong phiên giao dịch cuối giờ chiều nay ngày 23/4, vàng SJC đang được niêm yết ở mức 80,7 triệu đồng/lượng mua vào và 83 triệu đồng/lượng bán ra. 

Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 của Doji hiện đang đứng ở ngưỡng 73,7 – 75,4 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra).

Vàng thế giới tiếp tục "rơi sâu" khi trong phiên giao dịch chiều nay 23/4 đã tụt về ngưỡng 2.300USD/ounce (tương đương 71 triệu đồng/lượng). Điều này đồng nghĩa với việc giá vàng miếng trong nước hiện đang cao hơn so với giá vàng thế giới hơn 11 triệu đồng/lượng. 

Hồng Hạnh (t/h)

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/chi-co-2-don-vi-trung-thau-ly-do-nhnn-e-hon-13000-luong-vang-mieng-1310.html