Tạm hoãn xuất nhập cảnh vì nợ thuế: “Cần có các quy định linh động hơn”

Theo luật sư, để tránh những trường hợp nhằm ngăn ngừa một thiệt hại rất nhỏ của Nhà nước nhưng có thể gây một thiệt hại rất lớn cho công dân thì cần có các quy định linh động hơn để ứng xử với các trường hợp hoãn xuất cảnh.

Thời gian gần đây, các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM đã ra quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh đối 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp (DN) do nợ thuế. Trong số đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV vừa gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lê Huy Bình, Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Hải Đăng. Lý do: công ty ông Bình chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế 977,2 triệu đồng tiền thuế.

cham-nop-thue-bi-hoan-xuat-canh-1716352372.webp
Ảnh chỉ có tính minh họa cho bài viết.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV cũng thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Giám đốc, đại diện pháp luật chi nhánh Công ty TNHH công nghệ thực phẩm An Thái. Công ty ông Huỳnh nợ gần 290 triệu đồng tiền thuế. Cũng với việc bị cưỡng chế hơn 10,2 triệu đồng tiền thuế, ông Trần Tô Quyền, Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Ngọc Diệu bị tạm hoãn xuất cảnh.

Ngoài ra, Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa - Vĩnh Cửu, thuộc Cục Thuế tỉnh Đồng Nai thông báo về việc đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tạm hoãn xuất cảnh đối với 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các DN nợ thuế.

Trước đó, tháng 10/2023, Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè trực thuộc Cục Thuế TP.HCM cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấm xuất cảnh đối 11 cá nhân là đại diện pháp luật của 11 DN nợ thuế.

Liên quan đến vấn đề người đại diện pháp luật của doanh nghiệp không thể xuất cảnh khi doanh nghiệp bị nợ thuế, trao đổi với PV, Luật sư Lê Cao - Luật sư điều hành Công ty luật FDVN cho biết, hiện nay tại khoản 5, Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt nam năm 2019 và được quy định chi tiết tại khoản 1, Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định: Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

“Như vậy, giải pháp tạm hoãn xuất cảnh trong các trường hợp này là nhằm đảm bảo các chủ thể phải tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, không phải là một biện pháp cấm mà là tạm hoãn việc xuất cảnh đối với các trường hợp còn nợ thuế.

Đối với riêng cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thì theo quy định nêu trên cần phải hiểu không phải cứ nợ thuế là bị hoãn xuất cảnh, mà trường hợp này đã nợ thuế, đã có quyết định xử lý hành chính, đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế nhưng vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ về thuế thì hoãn xuất cảnh. Quá trình cưỡng chế cũng phải mất một thời gian, nhưng việc chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế vẫn còn, do đó quy định hoãn xuất cảnh cũng có cơ sở thực tiễn để đảm bảo ngăn ngừa khả năng trốn nghĩa vụ thuế”, luật sư Cao nói.

Vị luật sư tiếp tục phân tích góc nhìn pháp lý cho thấy, quy định hiện hành không đưa ra ngưỡng nợ thuế, không có những giải pháp linh động đối với những trường hợp có thể vì lý do gì đó người đại diện doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp không biết được việc bị cưỡng chế thuế, nên có thể phát sinh trường hợp vì còn nợ thuế một khoản rất nhỏ bé nhưng vẫn bị áp hoãn xuất cảnh.

“Do đó, theo chúng tôi, để tránh những trường hợp nhằm ngăn ngừa một thiệt hại rất nhỏ của Nhà nước nhưng có thể gây một thiệt hại rất lớn cho công dân thì cần có các quy định linh động hơn để ứng xử với các trường hợp hoãn xuất cảnh. Hơn nữa, quy trình thủ tục hoãn xuất cảnh và sự liên thông xử lý trong những trường hợp này cũng cần đổi mới, hoàn thiện để lỡ chủ doanh nghiệp dính vào trường hợp này thì họ có thể tháo gỡ ngay và xuất cảnh được luôn khi khắc phục nợ thuế sớm.

Chẳng hạn cần có giải pháp để họ có thể khắc phục ngay những khoản nợ thuế nhỏ, đảm bảo gỡ lệnh hoãn xuất cảnh sớm, tạo điều kiện cho họ được xuất cảnh bình thường khi khắc phục sớm nghĩa vụ thuế.

Ngoài ra, để những cá nhân đại diện doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp không bị bất ngờ về những quy định hoãn xuất cảnh, việc cảnh báo, thông tin, cập nhật các thông tin sớm tới những người này là cần thiết để tránh bở ngỡ khi ra đến sân bay mới biết mình bị hoãn xuất cảnh”, luật sư Cao nêu quan điểm.

 

Nhật Hạ

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/tam-hoan-xuat-nhap-canh-vi-no-thue-can-co-cac-quy-dinh-linh-dong-hon-1998.html