Vụ cháy 14 người chết ở Trung Kính: Vướng mắc pháp lý trong PCCC của nhà ở vừa kinh doanh vừa cho thuê trọ

Những rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với nhà vừa ở, kết hợp kinh doanh và cho thuê trọ là rất rõ ràng, nhưng quy định phòng cháy chữa cháy với loại hình này hiện còn rất chung chung.

Có thể thấy, hậu quả vụ cháy ở Trung Kính với thống kê ban đầu là 14 người thiệt mạng là hết sức nghiêm trọng và đau lòng. Một lần nữa, khoảnh khắc kinh hoàng rạng sáng 24/5 tại số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43  đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội như hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ.

pct1-17165427214941722964072-1716602691.webp
Vụ cháy để lại hậu quả đau lòng.

Theo Luật sư Nguyễn Sương - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, sự cố hỏa hoạn xảy ra tại nhà trọ thuộc phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa qua thực sự rất thương tâm.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà cao tầng, cháy nhà trọ, cháy cửa hàng kinh doanh, …gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người. Những mất mát này cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

“Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy như: Phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy;

Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào quy mô xây dựng mà nhà ở riêng lẻ có kết hợp mục đích sử dụng khác còn phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm Thông tư 06/2022/TT-BXD sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 09/2023/TT-BXD”, luật sư Sương nói.

eb047b90-946f-49d3-99e7-b95d1e9fb87e-1716630599.jpeg
 

“Có thể thấy quy định về phòng cháy, chữa cháy của hộ gia đình sinh sống kết hợp kinh doanh rất chung chung, ví dụ như yêu cầu người dân chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy và phải có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh nhưng giải pháp thế nào là an toàn và phù hợp nhất hoặc cần phải chuẩn bị các điều kiện, phương tiện chữa cháy như thế nào thì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 50/2024/NĐ-CP thì “nhà trọ” và “nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh từ 50 m2 trở lên” thuộc đối tượng kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, quy định về việc kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các trường hợp này vẫn chưa rõ về trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu cũng như trình tự, thủ tục kiểm tra. Đặc biệt là khi các nhà trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh tự phát, không đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc rà soát để kiểm tra tương đối khó khăn”, luật sư Sương nhận định.

“Phòng cháy hơn chữa cháy” nhưng cũng không thể cấm người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, vị luật sư nêu ý kiến: “Pháp luật cần có những quy chuẩn cụ thể và chi tiết hơn về phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với từng loại hình công trình cụ thể kể cả nhà ở, nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và có hướng dẫn cụ thể về các biện pháp giúp hộ gia đình thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

Quan trọng hơn cả là ý thức “chủ quan” của người dân và công tác quản lý “tắc trách” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đâu đó vẫn còn thiếu sự coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa thực sự chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy.

Đằng sau mỗi vụ cháy là sự đau xót, nhưng nhận thức và hành động trong thực thi pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình còn chậm, chưa được chú trọng thường xuyên. Do đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải chú trọng rà soát kỹ lưỡng lại những thiếu sót trong công tác quản lý, xử phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm và liên tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, cảnh báo về phòng cháy, chữa cháy đến người dân”, luật sư Sương nêu quan điểm cá nhân.

Nhật Hạ

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/vu-chay-14-nguoi-chet-o-trung-kinh-vuong-mac-phap-ly-trong-pccc-cua-nha-o-vua-kinh-doanh-vua-cho-thue-tro-2085.html