Vợ bị tâm thần, chồng một mình bán nhà được không?

Tôi nhận thấy vợ có dấu hiệu của bệnh tâm thần và tôi muốn bán căn nhà đứng tên hai vợ chồng để có tiền chữ bệnh cho cô ấy.

so-do-2-1720753640.jpeg
Ảnh minh họa.

Tình huống pháp lý: Tôi xin nhờ Quý Báo trả lời giúp tôi: Tôi và vợ đã kết hôn được hơn 10 năm. Trong 02 năm gần đây, vợ tôi có dấu hiệu không bình thường, không thể làm chủ hành vi của mình, thường hay la hét và khóc lóc mất kiểm soát. Tôi nhận thấy vợ tôi có dấu hiệu của bệnh tâm thần và tôi muốn bán căn nhà đứng tên hai vợ chồng để có tiền chữ bệnh cho vợ. Quý Báo cho tôi hỏi, vợ tôi bị bệnh như vậy tôi có thể thay mặt vợ tôi bán tài sản được không?

Luật sư Nguyễn Thị Hải Nhi - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng trả lời:

Căn cứ Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau:

“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”

Như vậy, một người bị tâm thần không đương nhiên được xác định là người đó đã bị mất năng lực hành vi dân sự, mà chỉ được xác định là mất năng lực hành vi dân sự khi Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi đó, mọi giao dịch dân sự của người này đều phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Quy định tại Điều 53 Bộ  luật Dân sự 2015 về Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau: “Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ”. Bên cạnh đó theo quy định của Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Người đại diện theo pháp luật của cá nhân là người giám hộ đối với người được giám hộ”.

Về trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ, Điều 59 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.”

Từ đó có thể xác định được bạn là người giám hộ đương nhiên đồng thời là người đại diện theo pháp luật của vợ bạn. Do đó, bạn được thực hiện giao dịch chuyển nhượng  quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vì lợi ích của vợ bạn sau khi Tòa án đã có Quyết định tuyên bố vợ bạn mất năng lực hành vi dân sự và chỉ định bạn là người giám hộ. Đối với nhà đất có giá trị lớn thì việc chuyển nhượng phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

PV

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/vo-bi-tam-than-chong-mot-minh-ban-nha-duoc-khong-3386.html