Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa đã bác bỏ những lo ngại cho rằng kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ ở Đức có thể dẫn đến leo thang căng thẳng với Nga.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Phủ Thủ tướng ở Berlin hôm 12/7, ông Scholz nhấn mạnh rằng những vũ khí này (tên lửa tầm xa của Mỹ) có tác dụng răn đe, ngăn chặn.
"Điều này giúp tăng cường an ninh thông qua răn đe… Điều chúng tôi luôn quan tâm là nhu cầu ngăn chặn chiến tranh", Thủ tướng Đức nói.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, ngày 12/7/2024. Ảnh: Japan News
Nhà lãnh đạo của cường quốc hàng đầu châu Âu nhắc lại rằng Đức sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine theo cách tránh đối đầu trực tiếp với Nga.
"Chúng tôi hiểu rõ về các quyết định được đưa ra trong NATO: Sẽ không có quyết định, nguồn cung cấp vũ khí hay lựa chọn sử dụng vũ khí nào có thể biến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine thành cuộc chiến giữa Nga và NATO", Thủ tướng Đức nói.
"Nhưng cũng rõ ràng rằng những quyết định chúng tôi đưa ra ở đây luôn nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho đất nước chúng tôi và liên minh NATO", ông Scholz chỉ ra.
"Điều đó có nghĩa là chúng tôi đủ mạnh, chúng tôi đang nỗ lực và làm điều đúng đắn. Điều này chắc chắn bao gồm khả năng phòng không và răn đe", ông kết luận.
Trước đó, Washington và Berlin cho biết trong một tuyên bố chung vào ngày 10/7 rằng Mỹ sẽ bắt đầu triển khai khả năng hỏa lực tầm xa ở Đức vào năm 2026, "có tầm bắn xa hơn đáng kể so với hỏa lực trên đất liền hiện nay ở châu Âu".
Lần đầu tiên những vũ khí như vậy được đặt ở Đức kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hãng thông tấn DPA cho hay.
Hãng tin Đức cũng cho biết rằng vũ khí Mỹ sẽ bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn lên tới 2.500 km có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, cũng như tên lửa phòng không SM-6 và vũ khí siêu thanh mới được phát triển.
Sau khi thông tin về việc triển khai vũ khí được công bố, Thủ tướng Đức Scholz, người lúc đó đang có mặt tại Washington DC dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 75, đã nói với các phóng viên rằng đó là "thứ mang tính răn đe và bảo đảm hòa bình, đồng thời đây là một quyết định cần thiết và quan trọng vào đúng thời điểm".
Còn các quan chức Nga đã phản ứng gay gắt trước thông tin này. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov chỉ ra rằng những kế hoạch như vậy làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chạy đua tên lửa và có thể dẫn đến leo thang không thể kiểm soát được.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói về "mắt xích trong tiến trình leo thang" của NATO và Mỹ đối với Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng đất nước ông và NATO đang trên đường dẫn đến một "cuộc đối đầu trực tiếp" kiểu Chiến tranh Lạnh.
"Tất cả các thuộc tính của Chiến tranh Lạnh với sự đối đầu trực tiếp đang quay trở lại", ông Peskov nói với phóng viên truyền hình nhà nước Nga hôm 11/7.
Minh Đức (Theo TASS, Yahoo!News, Al Jazeera)
Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/thu-tuong-duc-noi-trien-khai-ten-lua-my-khong-lam-gia-tang-cang-thang-voi-nga-3443.html