Phi vụ ROS của Trịnh Văn Quyết: Nhờ đâu 430 triệu cổ phiếu bất thường lên sàn trót lọt?

430 triệu cổ phiếu được Trịnh Văn Quyết "thổi giá" nhằm nâng vốn sở hữu tại Faros từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng. Dù bị đánh giá "bất thường" nhưng cổ phiếu ROS vẫn được "lên sàn" do sai phạm của một số cán bộ.

Cú thổi giá cổ phiếu ROS

Dự kiến, TAND Hà Nội sẽ xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 người khác trong vụ nâng khống vốn điều lệ của CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) từ sáng 22/7 và kéo dài trong nhiều ngày.

Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào việc cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi gian dối nhằm tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó, hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ là 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2014-2016, ông Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho doanh nghiệp này từ 1.197 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần.

Vụ thổi giá cổ phiếu ROS được xem là một vết đen trên thị trường chứng khoán. Dưới bàn tay của ông Quyết, cổ phiếu ROS từ mức gần như không có giá trị có lúc đã lên tới hơn 200.000 đồng/cp.

Nhờ ROS, ông Quyết trở thành người giàu nhất trên TTCK vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 nếu tính trên số lượng và giá các cổ phiếu mà ông nắm giữ khi đó. Khi đó, tài sản của ông Quyết có thời điểm lên trên 50 nghìn tỷ đồng.

Với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hoá ở thời điểm đó là hơn 4.500 tỷ đồng, cổ phiếu ROS liên tục tăng rất nhanh, gấp 10 lần sau vài tháng lên sàn, rồi tăng lên mức gần 215.000 đồng/cp.

Sau khi lên đỉnh vào tháng 11/2017, ROS bắt đầu xuống lại ngưỡng 100.000 đồng/cp vào đầu tháng 3/2018. Đầu năm 2020, ROS về dưới 10.000 đồng/cp và chỉ còn 2.000 đồng/cp hồi tháng 3/2020.

Cổ phiếu ROS sau đó đi ngang ở mức 1.000-5.000 đồng/cp, kéo dài cho tới khi bị hủy niêm yết vào tháng 9/2022.

Việc nâng khống vốn và đẩy giá cổ phiếu ROS bị khui ra sau vụ ông Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC ngay đầu năm 2022. Từ đây, những sai phạm trong quá khứ của ông Quyết dần lộ diện. Nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC cũng lâm vào cảnh lao đao.

Tới nay, cả 7 mã cổ phiếu “họ FLC” đều bị hủy niêm yết. Đó là FLC, ROS, HAI (Nông dược HAI), GAB (Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC), AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone), Chứng khoán BOS (ART) và KLF (Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS).

Rất nhiều nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân khi chưa kịp thoát hàng khỏi các cổ phiếu họ FLC.

Bất thường 430 triệu cổ phiếu không lên sàn HOSE

Con số 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ của Faros liên tục bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đánh giá "bất thường". Nhưng Faros vẫn được "lên sàn" do sai phạm của một số cán bộ.

Liên quan đến vụ án này, có 6 người bị cáo buộc biết rõ 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ của Faros đều được ông Quyết và đồng phạm huy động bằng những quy trình bất thường, báo cáo tài chính có những con số chênh hàng trăm tỷ đồng... song vẫn "cho qua".

Những người bị truy tố về tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" gồm các bị can: Lê Công Điền, Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc UBCKNN; Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và Phạm Trung Minh, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Ngoài 3 bị can bị khởi tố, điều tra về tội danh trên, Cơ quan CSĐT xác định, còn một số cá nhân thuộc UBCKNN và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam liên quan đến hành vi phạm tội này gồm: Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN; bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng; bà Trần Thị Hằng, chuyên viên Phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Nội dung cáo trạng thể hiện, cuối năm 2015, CTCP Xây dựng Faros có ý định niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

Để được niêm yết, Faros phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 và 6 tháng năm 2016; phải được một công ty kiểm toán độc lập chứng nhận "trong sạch"; đề nghị chấp thuận công ty đại chúng.

Vì vậy, Faros ký hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA) để có được xác nhận kiểm toán gian dối này.

Đến đầu năm 2016, Faros có văn bản gửi UBCKNN đề nghị xem xét và chấp thuận việc đăng ký công ty đại chúng, kèm theo hồ sơ liên quan.

Với vai trò Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc UBCKNN, ông Lê Công Điền khi đó làm Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng thuộc UBCKNN có nhiệm vụ thẩm định, chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và kiểm soát các đơn vị kiểm toán. Ông Điền đã phát hiện ra hồ sơ đăng ký của Faros không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp, các báo cáo kiểm toán không đúng luật vì không đủ cơ sở để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.

Lúc này, ông Điền có báo cáo kèm tờ trình gửi Chủ tịch UBCKNN thời điểm đó là ông Vũ Bằng về hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Faros và đề xuất phê duyệt chấp thuận Faros là công ty đại chúng.

Ông Điền có nêu về một số vấn đề tồn tại trong báo cáo kiểm toán của Faros. Sau đó, ông Bằng có ý kiến: "Đồng ý; tiếp tục cùng công ty và kiểm toán làm rõ".

Nhưng ông Điền không thực hiện kiểm tra, xử lý đối với công ty kiểm toán, thu hồi báo cáo kiểm toán mà chỉ ký Văn bản số 4298/UBCK- GSDC về việc chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đối với Faros.

Sau đó, ông Điền công bố trên phương tiện thông tin của UBCKNN về việc chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đối với Farros có số vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, cũng ký công văn số 4309/UBCK-GSĐC gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội thông báo về việc tăng vốn của Faros.

Với vai trò là Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, khi nhận được hồ sơ đề nghị đăng ký, lưu ký 430 triệu cổ phiếu với giá trị vốn góp là 4.300 tỷ đồng của Faros, Dương Văn Thanh biết rõ hồ sơ này chưa đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp. Nhưng ông Thanh vẫn ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho Faros và thông báo đến các thành viên lưu ký (các công ty chứng khoán) để Trịnh Văn Quyết và đồng phạm sử dụng làm điều kiện đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Còn Phạm Trung Minh, được Dương Văn Thanh giao trực tiếp nghiên cứu hồ sơ đề nghị đăng ký, lưu ký chứng khoán của Faros. Minh biết rõ hồ sơ của Faros chưa đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp nhưng vẫn ký tờ trình tham mưu cho ông Thanh ký giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho Faros.

Vượt 3 cánh cửa kiểm duyệt sau tròn 9 tháng, ngày 1/9/2016, 430 triệu cổ phiếu ROS chính thức lên sàn.

Cơ quan công tố cáo buộc, HOSE từ đó trở thành "phương tiện" của anh em ông Quyết để bán cổ phiếu khống cho hơn 30.000 bị hại, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng.

Nguồn Vietnamfinance

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/phi-vu-ros-cua-trinh-van-quyet-nho-dau-430-trieu-co-phieu-bat-thuong-len-san-trot-lot-3712.html