Xử lý cơ sở thẩm mỹ trái phép, không phép như... “bắt cóc bỏ đĩa”

Trong khi cơ quan chức năng vẫn “chạy theo để phạt” các cơ sở làm đẹp hoạt động bát nháo, thì khách hàng vẫn là người phải gánh chịu rủi ro. Vậy đâu là giải pháp?

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột.

Nan giải vấn nạn thẩm mỹ “chui”, không phép ở Tp.HCM

Tp.HCM được xem là một “trung tâm” làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ nhộn nhịp của khu vực phía Nam. Tuy nhiên, những cơ sở, dịch vụ làm đẹp được cấp phép hoạt động tại Thành phố không nhiều. Đa phần trong số đó là những cơ sở hoạt động “chui”, hoạt động không đúng chức năng được cấp phép.

Theo Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ, nhưng chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế Tp.HCM cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở). Còn lại hơn 85% cơ sở là do UBND quận huyện và Tp.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận (chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanhhộ kinh doanh hoặc công ty). Như vậy, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép. Thực trạng này đã tạo ra 3 thách thức cho các cơ quan quản lý Nhà nước với hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trái phép trên địa bàn. Cụ thể, là tình trạng quảng cáo không đúng, hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm và hoạt động thẩm mỹ “chui” ngày càng tinh vi. Nhiều năm nay, khu vực quận 10 (Tp.HCM) là một trong những địa điểm “nóng” về hoạt động trái phép của các cơ sở thẩm mỹ. Tiếp theo phải kể đến khu vực quận 1, quận 3, quận 5, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp. Theo ghi nhận của PV ĐS&PL, đây là những quận tập trung nhiều các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ. Ngoài một số ít cơ sở uy tín, được cấp phép, thì hầu hết là hoạt động “chui”, không đúng giấy phép và quảng cáo trái phép. Từ những kết quả kiểm tra, xử lý các cơ sở dịch vụ làm đẹp trái phép của Sở Y tế Tp.HCM, cho thấy hầu hết các cơ sở này đều vi phạm quy định khi hợp đồng với bác sĩ chưa có giấy phép hành nghề thực hiện kỹ thuật; can thiệp, “lấn sân” sang lĩnh vực y tế, phẫu thuật thẩm mỹ khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép. Chính vì vậy, hậu quả gây ra đối với những biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ thường rất nghiêm trọng.

Nhiều ca biến chứng nặng đến từ các cơ sở thẩm mỹ không phép

Trao đổi về vấn đề này với chúng tôi, bác sĩ Chuyên khoa I Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, phụ trách Quản lý điều hành Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: “Hơn một nửa số ca tai biến, cấp cứu liên quan thẩm mỹ đều do bệnh nhân thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ không phép, trái phép. Những trường hợp có triệu chứng nặng như sốc phản vệ, ngộ độc thuốc tê, mức độ tương đối nặng. Lúc này bệnh nhân thường trở nên nguy kịch, việc hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân trở nên khó khăn. Chúng tôi khuyến cáo các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ cần cho bác sĩ tập huấn, kỹ năng hồi sức, cấp cứu cơ bản để bác sĩ nhận diện xử trí những trường hợp sốc phản vệ ban đầu”.

Cũng theo bác sĩ Lê Anh Tuấn, hiện có nhiều kỹ thuật thẩm mỹ như nâng mũi, nâng ngực, giảm béo... Mỗi kỹ thuật đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở vật chất đảm bảo như máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc men theo quy định... Đặc biệt, ngoài yếu tố cơ sở vật chất, thì cơ sở thẩm mỹ phải có đầy đủ tính pháp lý, đội ngũ nhân sự phải tuân theo quy định ngành Y tế. Y bác sĩ, nhân viên tại cơ sở phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề... Hiện nay tại Tp.HCM, ngoài những cơ sở thẩm mỹ được Sở Y tế cấp giấy phép như bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ chính thống được thẩm định, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên được cấp giấy phép hành nghề, thì vẫn còn tình trạng cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép. Sở Y tế rất quan tâm nội dung này và định kỳ hàng tháng luôn có những công khai khi xử phạt, thu hồi giấy phép trên trang web của Sở. Người dân có thể theo dõi thông tin trên trang của Sở Y tế Tp.HCM. Từ đó, lựa chọn những cơ sở hoạt động đúng quy định để làm đẹp an toàn, hiệu quả.

Trao đổi với PV ĐS&PL, Ts.Bs.Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc cho biết: “Thời gian qua, có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ không phép đã gây ra hàng loạt biến chứng, sự cố y khoa đáng tiếc, ảnh hưởng trực tiếp tới ngành tạo hình thẩm mỹ chính quy. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là do các quy định về mặt pháp lý chưa thật sự chặt chẽ. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn dám thực hiện các phẫu thuật xâm lấn. Tôi nghĩ cần phải có những biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và những ai làm trái pháp luật, nếu đủ căn cứ cần xử lý hình sự. Bệnh nhân cũng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi thực hiện làm đẹp. Hiện nay, có 2 loại hình là bệnh viện và phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Trong bệnh viện gồm bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Riêng các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện các dịch vụ gây tê tại chỗ, tuyệt đối không thực hiện bất kỳ dịch vụ xâm lấn cơ thể.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể chủ động tìm hiểu thông tin về cơ sở và người thực hiện bằng cách kiểm tra trên cổng thông tin của Sở Y tế, tự mình xác định cơ sở đó có giấy phép hay không, ai là người đứng tên, bác sĩ đó có chứng chỉ hành nghề hay không”.

Can thiệp xâm lấn cơ thể mang đến nhiều nguy cơ rủi ro, vì vậy chị em muốn đẹp hơn bằng phẫu thuật thẩm mỹ cũng nên tìm cho mình một cơ sở uy tín để “chọn mặt gửi vàng”.

Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện 199 - Bộ Công an.

Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện 199 - Bộ Công an.

Trước thực trạng này, chính quyền Tp.HCM đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý các dịch vụ cơ sở làm đẹp trái phép trên địa bàn. Đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết, ngoài tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở dịch vụ làm đẹp, Sở đã đề nghị UBND quận, huyện, Tp.Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra; đồng thời tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về tác hại sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở không phép, cơ sở không đảm bảo điều kiện để người dân biết và phòng tránh.

Sở Y tế cũng khuyến cáo nên lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ bằng cách tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Đồng thời, khuyến khích người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc tải app "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở Y tế có thông tin kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Mới đây, ngày 27/6, tổ công tác đặc biệt về quản lý quảng cáo trái phép của Sở Y tế Tp.HCM chính thức kết nối với phần mềm lắng nghe mạng xã hội Social Beat (của Sở và Cổng thông tin doanh nghiệp Tp.HCM (Sở Kế hoạch và Đầu tư) để quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo và xử lý việc hành nghề khám chữa bệnh trái phép, đồng thời lắng nghe những ý kiến, suy nghĩ và trào lưu trên mạng trong lĩnh vực y tế.

Hàng loạt địa phương vào cuộc xử lý cơ sở thẩm mỹ “chui”

Tại tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều thẩm mỹ viện không có giấy phép hoạt động hợp pháp, thậm chí không đăng ký kinh doanh hộ gia đình, nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện các dịch vụ như phẫu thuật nâng mũi, khám, chữa bệnh.

Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho hay, từ năm 2022 đến nay, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa; phòng khám nha khoa trên địa bàn. Trong năm 2024, tính đến thời điểm 31/5/2024, Sở Y tế đã kiểm tra 11 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và spa, xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở (tổng số tiền xử phạt 95 triệu đồng). Kiểm tra 6 phòng khám nha khoa, 6/6 phòng khám có giấy phép hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho hay, các hành vi vi phạm chủ yếu đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nói trên gồm: Hoạt động khi chưa thực hiện thủ tục công bố cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ; cung cấp dịch vụ vượt quá phạm vi chuyên môn; quảng cáo dịch vụ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo; sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm...

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục kiểm tra hoạt động spa, thẩm mỹ viện trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.

Tại Bình Thuận, Bác sĩ CK2 Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây (từ năm 2018 đến 31/12/2023), Sở Y tế đã triển khai thực hiện quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về Quy định Cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và Cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động cần đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật. Tính đến ngày 31/12/2023, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã công bố cho 20 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và cấp giấp phép hoạt động cho 1 phòng khám thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh. Đối với kinh doanh hoạt động xăm, phun, thêu thẩm mỹ trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, thì cơ sở phải thành lập một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa. Sở Y tế Bình Thuận sẽ thẩm định cấp phép theo quy định. Còn ngoài các hoạt động trên thì không thuộc thẩm quyền quản lý của ngành y tế.

Do đó, nếu các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận triển khai các hoạt động như trên mà không được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động, thì sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành. Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đang chuẩn bị có công văn gửi về các địa phương, để rà soát nắm danh sách các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, tiến hành thanh tra kiểm tra và xử lý nếu sai phạm.

Liên quan đến tình hình hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ, phòng khám chăm sóc làm đẹp... trên địa bàn tỉnh Bình Dương, khoảng thời gian từ giữa năm 2023 đến đầu năm 2024, Thanh tra Sở Y tế tỉnh này đã kiểm tra hoạt động của nhiều cơ sở trên địa bàn và phát hiện hàng loạt sai phạm. Trao đổi với PV, Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có 17 phòng khám, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép (Phòng Nghiệp vụ Y quản lý số liệu); (Theo quy định Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì hiện nay không có quy định gửi về Sở Y tế)”.

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, ban lãnh đạo Sở Y tế luôn chỉ đạo ngành chức năng theo dõi chặt chẽ các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ trực thuộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Sở Y tế sẽ có những văn bản hướng dẫn để Phòng Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các cơ sở thẩm mỹ mạo danh cơ sở khám chữa bệnh mập mờ về chuyên môn, các cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động chui.

LÀNH NGUYỄN- MỸ HẬU

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/xu-ly-co-so-tham-my-trai-phep-khong-phep-nhu-bat-coc-bo-dia-4001.html