Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân; Chính sách tín dụng về thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Hướng dẫn quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; Quy định về can thiệp thị trường ngoại hối trong nước; Tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.....là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024. Cụ thể:
Hướng dẫn phương pháp lập giá bán điện bình quân
Thông tư số 09/2024/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán điện bình quân, có hiệu lực chính thức từ 14/9/2024.
Theo đó, Thông tư 09/2024/TT- BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm.
Để có cơ sở tính toán, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp lập tổng chi phí của các khâu: Phát điện; truyền tải; dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; dịch vụ phân phối - bán lẻ điện; dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí điều hành - quản lý ngành và lợi nhuận định mức...
Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương việc kiểm tra, rà soát và giám sát phương án giá bán điện bình quân do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg.
Chính sách tín dụng về thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Thủ tướng đã ban hành Quyết định 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó có quy định về đối tượng, mức vay, phương thức vay,… có hiệu lực thi hành từ ngày 2/9/2024.
* Đối tượng và điều kiện vay vốn:
- Đối tượng vay vốn: Hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú (sau đây gọi là khách hàng).
- Điều kiện vay vốn: Khách hàng cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.
Theo đó, tại Điều 4, 5,6 Quyết định 10/2024/QĐ-TTg quy định:
* Phương thức cho vay:
Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.
* Mức vốn cho vay
- Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/01 loại công trình/khách hàng.
- Khách hàng được vay vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 02 loại công trình nước và vệ sinh môi trường hộ gia đình nhưng tổng dư nợ mỗi loại công trình không vượt quá mức cho vay tối đa của mỗi loại công trình.
* Thời hạn và lãi suất cho vay
- Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với khách hàng nhưng tối đa là 05 năm (60 tháng).
- Lãi suất cho vay 9,0%/năm.
- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Hướng dẫn quản lý tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 57/2024/TT-BTC ngày 1/8/2024 hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường.
Theo Thông tư, Bên ký quỹ là tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Bên nhận ký quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường.
Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
Bên nhận ký quỹ phải gửi toàn bộ tiền ký quỹ vào tài khoản ký quỹ riêng mở tại ngân hàng thương mại. Tài khoản ký quỹ là tài khoản độc lập với các tài khoản khác tại ngân hàng thương mại của bên nhận ký quỹ và theo dõi chi tiết tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ của từng dự án, tổ chức, cá nhân ký quỹ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2024.
Quy định về can thiệp thị trường ngoại hối trong nước
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN ngày 9/8/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/9/2024.
Thông tư 43/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 01/2014/TT-NHNN về việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước như sau:
1- Mua ngoại tệ từ ngân sách nhà nước:
Căn cứ vào kế hoạch bán ngoại tệ hằng năm của ngân sách nhà nước và văn bản đề nghị bán ngoại tệ của Bộ Tài chính và/hoặc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước từ ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.
2- Bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước:
Căn cứ văn bản đề nghị mua ngoại tệ của Bộ Tài chính để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước trình Thống đốc NHNN phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính.
Căn cứ vào phương án cân đối bán ngoại tệ đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện việc bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.
3- Tỷ giá mua, bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước:
Trường hợp mua, bán đô la Mỹ, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá mua, bán giao ngay tại phương án can thiệp; nếu tại thời điểm thực hiện không có phương án can thiệp hoặc tại phương án can thiệp không có nội dung về tỷ giá giao ngay thì áp dụng tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố áp dụng đối với ngày thực hiện giao dịch (*).
Trường hợp mua, bán ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ được áp dụng trên cơ sở tỷ giá tính chéo của tỷ giá xác định tại điểm (*) nêu trên và tỷ giá bình quân của giá mua và giá bán giữa loại ngoại tệ được mua, bán và đô la Mỹ được niêm yết trên thị trường ngoại hối quốc tế thông qua hệ thống mạng thông tin Refinitiv hoặc Bloomberg trước 10 giờ sáng của ngày giao dịch.
Tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số
Thông tư 11/2024/TT-BYT của Bộ Y tế quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số. Thông tư 11/2024/TT-BYT hiệu lực từ ngày 01/9/2024.
Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện chung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số gồm:
- Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các điều kiện sau đây:
+ Được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
+ Đối với yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại các Thông tư, Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.
- Có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xét thăng hạng.
Hoàng Yên (T/h)/Đời sống Pháp luật
Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/nhung-chinh-sach-co-hieu-luc-tu-thang-92024-4951.html