Bốn vùng đất ven biển được quy hoạch đến năm 2030

Ngày 28/6/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, phân thành 4 vùng đất ven biển với định hướng phát triển cụ thể theo từng vùng.

Theo Điều 4 Nghị quyết 139/2024/QH15 về phân vùng sử dụng không gian biển, đã nêu nội dung phân định đối với vùng đất ven biển và các đảo, các quần đảo. Trong đó, đã phân định thành 4 vùng đất ven biển với nhiệm vụ, định hướng phát triển khác nhau, cụ thể theo từng vùng.

Vùng đất ven biển phía Bắc (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình)

Phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á với trung tâm là khu cảng biển Hải Phòng - Quảng Ninh và phát triển vùng du lịch phía Đông Bắc (Đồ Sơn - Cát Bà - Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô và địa phương ven biển khác khi có điều kiện) trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch di sản thiên nhiên biển đảo có tầm quốc tế. Cải tạo các tuyến đường thủy nội địa và tuyến ven biển Vạn Gia - Ka Long - Hải Phòng. Chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với các khu đô thị ven biển. Nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo, điện khí phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng lợi thế của địa phương.

Phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi; tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển gắn với trung tâm nghề cá lớn. Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường liên kết vùng trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt trong các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia, có tầm quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực biển; phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về biển của cả nước.

qn-1725250844.jpg
Du lịch là một trong những định hướng phát triển vùng biển Vùng đất ven biển phía Bắc (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình).

Vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận)

Phát triển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh thành trung tâm kinh tế biển gắn với khu cảng biển, khu chế xuất, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế, tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, với trung tâm là khu vực cảng biển Nghi Sơn, Vũng Áng - Cửa Lò; công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất ở Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản thiên nhiên thế giới có tầm quốc tế tại Quảng Bình. Phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phục vụ chế biến xuất khẩu với trung tâm nghề cá.

Phát triển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển gắn với khu đô thị - cảng biển Liên Chiểu - Chân Mây. Phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới mang tầm quốc tế. Phát triển trung tâm dịch vụ nghề cá ở Đà Nẵng và nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao tập trung ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và tích cực triển khai dự án Cá Voi Xanh. Tăng cường thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Dung Quất, hình thành trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của vùng và cả nước.

Phát triển Khánh Hòa - Phú Yên - Bình Định thành trung tâm kinh tế biển gắn với khu cảng biển Vân Phong - Cam Ranh - Quy Nhơn và gắn với nghiên cứu phát triển khu Bãi Gốc - Đông Hòa. Phát triển khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, thám hiểm biển có tầm quốc tế, trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo lớn, trung tâm nghề cá lớn, nuôi trồng thủy sản trên biển ứng dụng công nghệ cao; hình thành khu khoa học, công nghệ biển, trung tâm nghiên cứu biển quốc gia ở Khánh Hòa.

cang-vung-ang-1725250888.jpg
Cảng biển Vũng Áng tại Vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).

Vùng đất ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh)

Phát triển khu vực ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế, hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á với các ngành, lĩnh vực ưu tiên: cảng biển, dịch vụ logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế, xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Hoàn thiện hệ thống đường ven biển kết nối với hệ thống đường bộ quốc gia; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với Cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Phát triển rừng phòng hộ ven biển; tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng ngập mặn, rừng đặc dụng và khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

cang-cai-mep-1725250927.jpg
Vùng đất ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh) ưu tiên phát triển: cảng biển, dịch vụ logistics...

Vùng đất ven biển Tây Nam Bộ ( Tiền Giang đến Kiên Giang và các đảo, các quần đảo)

Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá hiện đại phục vụ khai thác xa bờ với trung tâm hoạt động nghề cá ở Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Kiên Giang; hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; nghiên cứu, phát triển Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Đối với khu vực phía Đông (từ Tiền Giang đến Đông Nam Cà Mau): Phát triển Trà Vinh - Sóc Trăng, liên kết với Cần Thơ thành trung tâm kinh tế biển của khu vực gắn với khu cảng Trần Đề và hành lang kinh tế ven biển gắn với phát triển tuyến đường ven biển; nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề; hình thành trung tâm dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế ở khu kinh tế Định An; nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu với trung tâm vùng nuôi trồng ở Bạc Liêu.

Đối với khu vực phía Tây (từ Tây Nam Cà Mau đến Kiên Giang): Phát triển các cảng biển du lịch, cảng biển xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ gắn với cảng biển với trung tâm là khu bến cảng Phú Quốc - Rạch Giá - Hòn Chông và cảng Năm Căn - Ông Đốc; nghiên cứu đầu tư phát triển cảng Hòn Khoai thành cảng tổng hợp; phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia.

cang-tran-de-1725251260.jpg
Bến tàu cao tốc Trần Đề (Sóc Trăng) nằm trong Vùng đất ven biển Tây Nam Bộ ( Tiền Giang đến Kiên Giang và các đảo, các quần đảo) với định hướng phát triển hành lang kinh tế ven biển.


 

Trần Giang

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/bon-vung-dat-ven-bien-duoc-quy-hoach-den-nam-2030-5088.html