Trúng gói thầu mua sắm hệ thống công nghệ thông tin trị giá gần 88 tỷ đồng tại Vietcombank, FPT IS kinh doanh ra sao?

Công ty FPT IS đã trúng gói thầu mua sắm hệ thống công nghệ thông tin do Vietcombank làm chủ đầu tư với giá hơn 87,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính năm 2023 cho thấy doanh nghiệp có nợ phải trả lên tới 4.743 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu.

Gói thầu trị giá hơn 87,8 tỷ đồng, tiết kiệm 1,16%

Ngày 08/07/2024, ông Lê Hoàng Tùng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký Quyết định số 1223/QĐ-VCB-MSQLTS về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu “Mua sắm và bảo trì hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và tuân thủ cấm vận của VCB”.

Gói thầu này được tổ chức đấu thầu rộng rãi với hình thức dự thầu trực tiếp; sử dụng nguồn vốn mua sắm tài sản cố định và chi phí hoạt động kinh doanh của Vietcombank.

qd-1223-1726562104.png
Quyết định số 1223/QĐ-BCB-MSQLTS ngày 08/07/2024.

Quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, liên danh công ty TNHH Công nghệ thông tin Blitz Việt Nam – IMTF Siron GmbH đã bị loại do không đáp ứng về tính hợp lệ và yêu cầu kỹ thuật.

Bên cạnh đó, liên danh CMC – FiserV (công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC – Fiserv APAC Pte Ltd) cũng không được lựa chọn do không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.

1-1726562110.png
Ảnh chụp màn hình.

Kết quả, công ty TNHH FPT IS (công ty FPT IS; MST: 0104128565) đã trúng thầu với giá hơn 87,8 tỷ đồng. So với giá gói thầu hơn 88,9 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu khoảng hơn 1 tỷ đồng, tương ứng tỉ lệ 1,16%.

Danh sách hàng hóa trong gói thầu bao gồm 2 mã sản phẩm: Thứ nhất là Bản quyền phần mềm hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và tuân thủ cấm vận Oracle (xuất xứ: Oracle) trị giá hơn 30,8 tỷ đồng. Thứ hai là Dịch vụ triển khai, bảo hành, bảo trì (5 năm) FIS – Oracle trị giá hơn 57,01 tỷ đồng.

2-1726562110.png
Ảnh chụp màn hình.

“Ông lớn” làng thầu với số nợ “khủng”

Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia tính đến ngày 16/09/2024, FPT IS đã tham gia 1.976 gói thầu, trúng 1.148 gói với tổng giá trị hơn 13.223 tỷ đồng, tỉ lệ tiết kiệm trung bình 3,9%. Danh sách các tỉnh thành mà doanh nghiệp này đã tham gia đấu thầu trải dài từ Bắc vào Nam như Hà Nội (770 gói), Tp. Hồ Chí Minh (249 gói), Bà Rịa – Vũng tàu (66 gói); Đà Nẵng (64 gói)…

Công ty FPT IS có quan hệ với 641 bên mời thầu, trong đó trúng nhiều nhất là tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (ít nhất 45 gói); ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (ít nhất 45 gói); Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (ít nhất 23 gói)…

4-1726562110.png
Ảnh chụp màn hình ngày 16/09/2024.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, FPT IS ghi nhận doanh thu thuần 6.725 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp thu về 1.386 tỷ đồng, tăng hơn 126 tỷ đồng.

Trừ đi thuế và các chi phí khác, công ty báo lãi ròng 343,06 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với kết quả năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của FPT IS tăng 12% lên mức 6.392 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các khoản phải thu ngắn hạn 3.351 tỷ đồng (chiếm 52%) và hàng tồn kho 743,9 tỷ đồng (11%).

Như vậy, có khoảng 63% tổng tài sản của doanh nghiệp nằm tại hàng tồn kho và các khoản phải thu.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của FPT IS đã chạm mốc 4.743 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cuối năm 2022, trong đó nợ ngắn hạn chiếm gần 99%, tương ứng 4.690 tỷ đồng.

Nổi bật trong đây là các khoản vay ngắn hạn tổng cộng 1.953 tỷ đồng như khoản vay ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sở Giao dịch 399,8 tỷ đồng; vay ngân hàng BNP Paribas – Chi nhánh Hà Nội 366,7 tỷ đồng; vay ngân hàng JPMorgan Chase, N.A – Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh 326,6 tỷ đồng…

khoan-vay-1726562104.png
Nguồn: BCTC.

Với vốn chủ sở hữu ở mức 1.649 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của FPT IS đã là 2,87 lần, tức tổng nợ của doanh nghiệp cao gần gấp 3 lần vốn chủ.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ đòn bẩy tài chính thì 1/1 được tính là bình thường, lên đến 3/1 đã là đáng báo động.

Việc quỹ nợ gấp gần 3 lần vốn chủ cho thấy FPT IS đã sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Nếu không nhanh chóng khắc phục vấn đề này, công ty sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong việc trả nợ.

Được biết, công ty FPT IS tiền thân là công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, được thành lập từ năm 2009 với mã số thuế 0104128565. Đến tháng 05/2024 thì đổi tên thành công ty TNHH FPT IS, đặt trụ sở tại số 10 phố Phạm Văn Bạch, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Người đại diện doanh nghiệp là ông Nguyễn Hoàng Minh – Tổng Giám đốc. Nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT là ông Trần Đăng Hòa.

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/trung-goi-thau-mua-sam-he-thong-cong-nghe-thong-tin-tri-gia-gan-88-ty-dong-tai-vietcombank-fpt-is-kinh-doanh-ra-sao-5501.html