Bộ Công an đề xuất cho người hưởng án treo được làm việc ngoài nơi cư trú

Trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất quy định giải quyết trường hợp người hưởng án treo có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú.

Theo báo điện tử VOV, dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 17 chương, 225 điều (tăng 1 chương và 17 điều so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019), trong đó, sửa đổi, bổ sung 86 điều, xây dựng mới 17 điều, đang được Bộ Công an lấy ý kiến.

Đáng chú ý, trong dự thảo có quy định về trường hợp người được hưởng án treo có thể làm việc ngoài nơi cư trú. Theo luật pháp hiện hành, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Pháp luật hiện hành quy định, người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

Bộ Công an đề xuất cho người hưởng án treo được làm việc ngoài nơi cư trú. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Bộ Công an đề xuất cho người hưởng án treo được làm việc ngoài nơi cư trú. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Do những quy định nêu trên, nên thực tế việc người được hưởng án treo muốn làm việc ở xa nơi cư trú là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, theo tạp chí Pháp luật và Phát triển, tại Điều 107 của Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) đã có những quy định về trường hợp người được hưởng án treo có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú.

Trường hợp người được hưởng án treo có nguyện vọng lựa chọn việc làm ngoài nơi cư trú thì phải xin phép và được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Người được hưởng án treo có trách nhiệm báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý về kế hoạch lao động, hợp đồng lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người đó làm việc.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi được Uỷ ban nhân dân cấp xã , đơn vị quân đội được giao quản lý đồng ý về việc cho người được hưởng án treo làm việc ngoài nơi cư trú thì người được hưởng án treo phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến làm việc; khi kết thúc hợp đồng lao động phải có xác nhận Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã tại nơi mình làm việc.

Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được hưởng án treo phải thông báo cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu về việc giải quyết cho người được hưởng án treo ra khỏi nơi cư trú để làm việc.

Người được hưởng án treo trong thời gian làm việc tại nơi cư trú phải chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ của mình. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật tại nơi làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến làm việc phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người này để phối hợp giải quyết.

Ngoài ra, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung 01 điều (Điều 116) quy định về giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú. Bổ sung 01 điều (Điều 132) quy định về giải quyết trường người chấp hành án phạt quản chế có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú. Sửa đổi, bổ sung quy định về thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất.

Theo Bộ Công an, việc sửa đổi, bổ sung này để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án treo, thi hành án phạt cảnh cáo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác thi hành án hình sự và khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác thi hành án hình sự hiện nay và trong thời gian tới.

Theo Phương Uyên (T/H)/Đời sống và Pháp luật

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/bo-cong-an-de-xuat-cho-nguoi-huong-an-treo-duoc-lam-viec-ngoai-noi-cu-tru-5512.html