Đà Nẵng: Nơi lý tưởng để phát triển bán dẫn

Ngoài những cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng còn chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thu hút các tập đoàn lớn nhằm xây dựng thành phố trở thành trung tâm mới của Việt Nam về vi mạch bán dẫn.

Loạt ưu đãi cho nhà đầu tư đến với Đà Nẵng

Ngày 26/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng với các chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Theo đó, đối với chính sách thu hút đầu tư, nhà đầu tư chiến lược sẽ được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài những cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng còn chuẩn bị cơ sở hạ tầng để phát triển vi mạch bán dẫn.

Nhà đầu tư cũng được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế và được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới.

Đối với đối tác chiến lược, được Nhà nước cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; được Nhà nước chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù; được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới; được hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Để được hưởng các ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài đáp ứng các yêu cầu về vốn, doanh thu, công nghệ… phải có ký kết hợp tác lâu dài với thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và mở rộng đầu tư tại thành phố.

Đối với hoạt động đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng) trong thời hạn miễn thuế là 5 năm kể từ thời điểm có hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay bên cạnh những cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố còn chuẩn bị hạ tầng phục vụ thiết kế vi mạch bán dẫn. Theo đó, thành phố đang tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao và 3 Khu công nghệ thông tin tập trung hiện hữu. Đồng thời, phấn đấu cuối năm 2024 tiếp tục đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000 m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự.

Thành phố cũng nghiên cứu, đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Dự án Khu công viên phần mềm số 2 với diện tích 2,5ha; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung mới trên địa bàn thành phố khoảng 22ha. Địa phương đang xúc tiến tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ trong nước và các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm tính toán hiệu năng cao, trung tâm dữ liệu phục vụ mô phỏng, ảo hóa thiết kế vi mạch bán dẫn; trung tâm nghiên cứu và phát triển đúc chíp.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang tập trung đẩy nhanh việc triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng các phân khu sản xuất bán dẫn chuyên biệt thuộc khu thương mại tự do để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực kiểm thử, đóng gói, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, linh kiện, thiết bị... trong chuỗi cung ứng bán dẫn.

Nơi lý tưởng để phát triển bán dẫn

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tin rằng những chính sách này sẽ tạo ra động lực để thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với thành phố. Đồng thời, thu hút được các chuyên gia trong nước và cả quốc tế đến làm việc tại thành phố, trong đó có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài quay trở về.

Ông Trịnh Khắc Huề, Tổng giám đốc Qorvo Việt Nam, chia sẻ với những chính sách đặc thù mà trung ương dành cho Đà Nẵng và đặc biệt là quyết tâm chính trị rất của lãnh đạo thành phố, công ty tin tưởng Đà Nẵng là nơi lý tưởng để mở rộng, phát triển vi mạch bán dẫn. Vì vậy mà tháng 7/2024, Chủ tịch Tập đoàn Qorvo đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố và công ty đang tiếp tục có những tìm hiểu cụ thể hơn về lĩnh vực này.

Đà Nẵng được kỳ vọng là nơi lý tưởng để phát triển vi mạch bán dẫn.

“Để phát triển vi mạch bán dẫn, tốt nhất nên phát triển nguồn lực chất lượng cao. Chúng tôi tin rằng khi có nguồn lực chất lực lượng cao sẽ giúp cho Đà Nẵng trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và sau này là của thế giới”, ông Huề nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đánh giá cao những gì mà Đà Nẵng làm được trong thời gian chưa tới một năm và nhấn mạnh: “Chưa khi nào mà một nghị quyết đi ngay vào thực tiễn lại rõ ràng như thế”.

“Tôi hy vọng với sự quyết tâm, sự bền bỉ của Đà Nẵng từ tháng 10/2023 đến nay và với cú hích là Nghị quyết 136, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội về vi mạch bán dẫn, giai đoạn tới đây, Đà Nẵng sẽ có sự bứt phá. Thành phố “đáng sống” không chỉ là câu chuyện đến Đà Nẵng để du lịch, nghỉ dưỡng mà còn là một môi trường thật sự hấp dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư”, bà Thủy nói.

Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys khu vực Nam Á đánh giá, chỉ chưa đầy một năm nhưng Đà Nẵng đã có mục tiêu và chiến lược rõ ràng, từ vấn đề xin chính sách đặc thù để phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp hóa, công nghiệp hiện đại trong đó có lĩnh vực bán dẫn, đến việc thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới đến mở các trung tâm thiết kế và làm việc tại Đà Nẵng. Điều đó thể hiện sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo thành phố.

Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự buổi tọa đàm với chủ đề Tăng cường hợp tác Việt Nam - Mỹ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là một phần trong các hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân chuyến công tác Mỹ từ ngày 21 - 24/9.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam và Mỹ trong ngành công nghiệp cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa trong thời kỳ mới. Việc hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và AI, theo Tổng Bí thư, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên cùng phát huy, khai thác lợi thế của mỗi bên.

 

Theo Khánh Hồng/vietnamfinance.vn

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/da-nang-noi-ly-tuong-de-phat-trien-ban-dan-6100.html