Gỡ vướng mắc pháp lý cản trở hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan khác.

Cần thiết ban hành Luật

Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 là cần thiết.

Đối tượng áp dụng khi xây dựng chính sách đã xác định "doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác" là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ.

Gỡ vướng mắc pháp lý cản trở hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Trong quá trình nghiên cứu, để đảm bảo thống nhất với nguyên tắc nhà nước quản lý theo dòng vốn đầu tư và theo đúng phần vốn góp tại doanh nghiệp, trên cơ sở ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất dự thảo Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước chịu trách nhiệm.

Theo đó, tại Điều 2 dự án về đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của luật doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên;

Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư của nhà nước; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Gỡ vướng mắc pháp lý cản trở hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước- Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, dự án Luật còn nhiều nội dung, chính sách mới cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng dự án Luật.

Quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, để khẩn trương tháo gỡ, sửa đổi các vướng mắc về quy định pháp lý gây cản trở hoạt động, hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất trình Quốc hội xem xét dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8.

Một số ý kiến cho rằng để bảo đảm căn cứ chính trị, đề nghị chưa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 cho đến khi hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết số 12-NQ/TW.

Có ý kiến đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định đang tồn tại, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, không nên thay thế toàn bộ Luật số 69.

Làm sao luật sửa đổi phải tốt hơn luật cũ

Tham gia ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật phải có sự nghiên cứu, phân tích rõ những vấn đề còn đang có nhiều vướng mắc. Việc sửa đổi Luật này là phải "đủ chín, đủ rõ" thì mới sửa, để làm sao Luật sửa đổi là phải tốt hơn Luật cũ.

Ngoài ra, việc đổi Luật đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước phải đảm bảo đúng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hay các Nghị quyết, Chỉ thị khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc sửa đổi Luật phải làm rõ nhiệm vụ nào do Quốc hội quy định, trách nhiệm nào do Chính phủ thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền của các Bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp; tính đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với các luật liên quan khác.

Gỡ vướng mắc pháp lý cản trở hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước- Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Chính phủ và các cơ quan cần rà soát lại toàn bộ dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đúng theo nội dung Nghị quyết số 12 hay chưa.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật cũng phải đảm bảo giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế cơ chế xin - cho; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, dự án Luật phải xử lý triệt để những vướng mắc hiện nay liên quan đến đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là một luật hết sức quan trọng, có nhiều nội dung khó, mới và phức tạp.

Vì vậy, để đảm bảo chất lượng dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra.

Trường hợp không kịp tiếp thu giải trình, Chính phủ đề xuất thời điểm báo cáo Quốc hội phù hợp, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng của luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong phiên họp; thông báo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khẩn trương gửi đến các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện và chuẩn bị để báo cáo Quốc hội với tinh thần ưu tiên hàng đầu là đảm bảo chất lượng dự án Luật.

Hoàng Thị Bích/Người đưa tin

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/go-vuong-mac-phap-ly-can-tro-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-6149.html