Ngày 30/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ trì họp Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng năm 2024 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024.
Báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp nêu rõ: Trong 10 tháng năm 2024, mặt bằng giá thị trường trong nước biến động theo quy luật tăng cao vào tháng Tết đầu năm sau đó giảm và tương đổi ổn định trong các tháng tiếp theo. So với tháng 12/2023, CPI tháng 9 năm 2024 tăng 2,18% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%. Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ 2023.
Báo cáo nhấn mạnh, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công, mặt hàng do Nhà nước quản lý, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.
Cụ thể là, đảm bảo thông suốt và tăng cường cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ, đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão.
Chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.
Đặc biệt trong bối cảnh bão YAGI gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống nhân dân, một số thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm một số mặt hàng như rau, củ, quả, thực phẩm, gây tăng giá cục bộ ở một số địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm có các chỉ đạo tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị bão lũ. Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát tốt lạm phát. Với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương, tình hình cung ứng hàng hóa được bảo đảm, giá hàng hóa tại các siêu thị cơ bản giữ ổn định. Tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng không đột biến, nguồn cung được đảm bảo nên hầu như không thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.
Bộ Tài chính cũng báo cáo cụ thể về công tác quản lý điều hành chính sách tài khóa; tiền tệ; điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, LPG/Gas, điện; dịch vụ vận tải; vật liệu xây dựng; thóc gạo, thực phẩm tươi sống, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi; dịch vụ y tế; giáo dục; bưu chính, viễn thông; diễn biến thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất).
Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 189,6 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Đến 23/10/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,28% so với cuối năm 2023 và tăng 16,48% so với cùng kỳ năm trước. Thanh khoản dồi dào, còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế,…
Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá, tổng hợp các thông tin đánh giá của Bộ KH&ĐT, NHNN về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản điều hành giá.
Theo đó, kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,7% so với năm 2023. Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,92% so với năm 2023.
Giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỉ lệ như nhau so với tháng trước thì trong thời gian còn lại của năm 2024, CPI còn dư địa tăng khoảng 0,98-1,95% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0-4,5%.
Trên cơ sở cập nhật kịch bản và dự báo tình hình trong nước, thế giới, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp điều hành giá các tháng còn lại của năm 2024.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, LĐTB&XH, Bộ TT&TT, BHXH, GTVT, NN&PTNT, TN&MT… bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo của Bộ Tài chính, đánh giá cao công tác điều hành giá thời gian qua.
Nhấn mạnh các kết quả đã đạt được, phân tích một số yếu tố ảnh hưởng tới mặt bằng giá trong thời gian tới, các ý kiến cho rằng dư địa điều hành giá năm nay còn rất lớn, qua đó, nêu một số đề xuất, kiến nghị đối với công tác điều hành giá trong thời gian còn lại của năm 2024.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành; khẳng định trong thời gian vừa qua, dù công tác quản lý, điều hành giá chịu tác động không thuận từ bên ngoài, cũng như yếu tố khách quan, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội vào sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã đạt được mục tiêu.
Về nhiệm vụ quản lý điều hành giá trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: "Chúng ta phấn đấu đến hết năm 2024, CPI bình quân không vượt quá 4%".
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vấn đề đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu là hết sức quan trọng. Ông đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt là việc quản lý, điều hành giá, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới, quan tâm đến các hộ nghèo, gia đình khó khăn; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, quản lý tốt tỉ giá….
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các bộ ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát diễn biến các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới có tác động đến thị trường trong nước (trong đó có thị trường xăng dầu) để sẵn sàng các giải pháp, kịch bản quản lý, điều hành giá linh hoạt, hiệu quả.
Đồng thời, bảo đảm thông suốt các hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Tiếp tục rà soát để có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, ảnh hưởng tới đời sống người dân, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá, kiểm soát, bình ổn thị trường. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu…
Rà soát, nghiên cứu toàn diện các quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn để đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá; đồng thời tổ chức tốt việc triển khai các nhiệm vụ quản lý, điều hành giá theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm và quy định của pháp luật.
Thực hiện công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để tránh thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận. "Vừa rồi chúng ta đã thực hiện tốt công tác truyền thông về tăng lương, giá điện, điều chỉnh học phí… cần tiếp tục phát huy", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng có ý kiến chỉ đạo đối với công tác điều hành giá một số mặt hàng cụ thể như: Xăng dầu; mặt hàng điện; vật liệu xây dựng; bất động sản…
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các biện pháp quản lý, điều hành giá, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra./.
Theo Trần Mạnh/ Báo Chính phủ
Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-phan-dau-nam-2024-cpi-khong-vuot-qua-4-6868.html