Ngày 5/3, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trong 2 tháng đầu năm, giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh Kiên Giang hơn 3.685 tỷ đồng.
Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng của tỉnh trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 95.670 tấn, đạt 11,96% kế hoạch.
Khai thác thuỷ sản biển trong tháng 2 đang có tín hiệu khả quan hơn, do ngư trường đã dần ổn định hơn, một số loài nhuyễn thể được khai thác nhiều, với sản lượng tăng trong 2 tháng đầu năm. Sản lượng khai thác 2 tháng trên 68.465 tấn, đạt 15,74% kế hoạch.
Tuy nhiên, việc bảo vệ nguồn lợi và tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa đạt hiệu quả như mong muốn, do nhiều tàu thuyền vẫn còn một số hành vi vi phạm trong khai thác như: Sử dụng chất độc, chất nổ, điện, ngư cụ cấm… để đánh bắt, gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Ngoài ra, số lượng tàu khai thác trên ngư trường lớn, quá mức cho phép, cơ cấu đội tàu và nghề chưa phù hợp, nguồn lực tài chính không ổn định dẫn đến nhiều phương tiện nằm bến hoặc hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.
Đến thời điểm này, tổng lượt diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh hơn 148.000 ha, đạt 57,84% kế hoạch, trong đó, tôm nước lợ 79.474 ha với các loại hình nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, tôm - lúa, quảng canh cải tiến; nuôi cá bè trên biển khoảng 1.940 lồng; nuôi nhuyễn thể trên 9.900 ha với các loại như: Hến, sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa; cua biển 49.916 ha…
Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 2 tháng hơn 27.200 tấn, tăng trên 2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, tôm các loại hơn 10.250 tấn.
Năm 2024, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn, trong đó, khai thác đánh bắt 435.000 tấn và nuôi trồng 365.000 tấn, trong số này tôm nuôi 130.000 tấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, đảm bảo cơ cấu phù hợp, ổn định giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; triển khai thực hiện tốt đề án nuôi biển.
Bên cạnh đó, tỉnh hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô, diện tích lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi thủy sản gần bờ đi đôi với thực hiện đồng bộ việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần cùng cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu.
Theo đó, trên lĩnh vực khai thác đánh bắt, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại đội tàu, giảm áp lực khai thác ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng ven biển và vùng lộng.
Ngoài ra, tỉnh đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, hướng dẫn việc quản lý khai thác thủy sản theo đúng quy định trong nước và phù hợp với các quy định theo thông lệ quốc tế, nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác trái phép, không đăng ký, không khai báo, thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đồng thời, tỉnh phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, với các sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung phù hợp với nhu cầu của thị trường, tạo sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi ven biển, ven đảo và xa khơi, một số đối tượng nuôi có tiềm năng lớn và có giá trị kinh tế cao như: Cá bớp, cá bống, ngọc trai, rong sụn… thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thanh Xuân/ Người Đưa Tin
Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/kien-giang-gia-tri-san-xuat-thuy-san-hon-3685-ty-dong-857.html