Công ty Đầu tư Cầu đường CII: Quỹ nợ “phình to” gấp 3 vốn chủ

Doanh thu tài chính của CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HoSE: LGC) tăng mạnh, đóng góp lớn vào mức lãi ròng kỷ lục trong năm 2023. Tuy nhiên, công ty ghi nhận quỹ nợ “phình to” gấp 3 vốn chủ.

Doanh thu tài chính tăng mạnh, lãi ròng kỷ lục

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, LGC ghi nhận doanh thu thuần 1.597 tỷ đồng, phần lớn đến từ doanh thu thu phí giao thông. Giá vốn hàng bán ở mức 526,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt 1.070 tỷ đồng.

Trong năm, chi phí tài chính tăng 14% lên 345,2 tỷ đồng, phần nhiều là chi phí lãi vay; chi phí bán hàng tăng nhẹ 6% lên 114,9 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 57,8 tỷ đồng lên 131,1 tỷ đồng, chủ yếu do khoản dự phòng phải thu khó đòi 51,1 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết cũng tăng gần gấp đôi lên 69,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt từ 92,1 tỷ đồng lên 418,2 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đánh giá lại giá trị hợp lý khoản đầu tư tại CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận khi nắm quyền kiểm soát (hơn 331 tỷ đồng) và lãi tiền gửi, tiền cho vay (hơn 70 tỷ đồng).

Trừ đi thuế và các chi phí khác, LGC báo lãi ròng 927,2 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (462,5 tỷ đồng). Đây là mức lãi kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi được niêm yết vào năm 2006.

Nợ phải trả gấp 3 vốn chủ, dùng cổ phần làm tài sản bảo đảm

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của LGC tăng từ 12.750 tỷ đồng lên 22.913 tỷ đồng, phần lớn là tài sản dài hạn chiếm 92% (tương ứng 21.185 tỷ đồng). Nổi bật là tài sản cố định vô hình tăng từ 6.804 tỷ đồng lên 16.374 tỷ đồng, chủ yếu nhờ các dự án B.O.T đang được thu phí giao thông hoàn vốn đầu tư như dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1, dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội…

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp đã “phình to” từ 7.906 tỷ đồng lên 17.729 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm 68% (12.119 tỷ đồng).

Cụ thể, LGC đã vay ngân hàng Vietcombank – chi nhánh TP.HCM tổng cộng 9.157 tỷ đồng để tài trợ cho dự án B.O.T đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và đầu tư vào dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội. Tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ dự án B.O.T; toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông góp vốn trong công ty; toàn bộ cổ phần của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội; cam kết bảo lãnh của CII và CII B&R cùng các lợi ích kinh tế mà công ty có thể thu được từ dự án.

Ngoài ra, LGC cũng vay của Vietinbank 1.189 tỷ đồng để tài trợ cho dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Ninh Thuận theo hình thức hợp đồng B.O.T, giai đoạn 2; vay BIDV 635,9 tỷ đồng nhằm đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng 3 đoạn tuyến quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên… với tài sản bảo đảm chủ yếu là lợi ích kinh tế thu được từ dự án, quyền thu phí phát sinh từ dự án và các phần vốn góp của các công ty con.

Thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của LGC ở mức 5.183 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã là 3,42.

Dự kiến sắp tới, LGC sẽ tổ chức ĐHĐCĐ 2023. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là 15/03/2024, ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/03/2024. Thời gian và địa điểm tổ chức sẽ được ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT công ty quyết định.

Được biết, CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HoSE: LGC) tiền thân là công ty Cơ khí Lữ Gia, một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1978. Đến tháng 08/2014 thì đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư Cầu đường CII. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là đầu tư xây dựng, khai thác, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phương thức hợp đồng xây dưng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), lắp đặt hệ thống điện, sản xuất thiết bị khác, sửa chữa thiết bị điện, kinh doanh bất động sản.

Ngọc Bảo

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/dau-tu-cau-duong-cii-hose-lgc-lai-rong-2023-cao-ky-luc-no-phai-tra-gap-3-von-chu-907.html