Phẫu thuật căng da mặt khiến nữ bệnh nhân tử vong: Trách nhiệm thuộc về ai?

Bạn đọc Hồng Nhung (Nam Định) hỏi: Vừa qua đọc báo tôi có biết đến vụ người phụ nữ phẫu thuật căng da mặt và tử vong tại bệnh viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn, trong trường hợp này, người phụ nữ có được bồi thường không và bệnh viện thẩm mỹ này bị xử lý như thế nào?

Liên quan đến vấn đề đang khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây về vụ việc người phụ nữ 70 tuổi tử vong sau khi căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn, Luật sư Nguyễn Thị Sương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng xin được trả lời bạn đọc như sau: 

luat-su-nguyen-thi-suongjpg-1710747145.jpg
Luật sư Nguyễn Thị Sương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng.

Trong sự việc lần này, việc xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan cần phải đợi kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác định một số vấn đề cần thiết gồm: 

- Nguyên nhân dẫn đến tử vong của người phụ nữ là gì?

- Quy trình trước, trong và sau phẫu thuật của bệnh viện thẩm mỹ có đúng theo quy định của pháp luật hay không?

- Các bác sĩ khi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân N.T.T.L đã được cấp phép hành nghề hay chưa. 

vu-nu-benh-nhan-tu-vong-sau-khi-cang-da-mat-tai-bv-tham-my-jk-nhat-han-1710737810.jpg
Bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn, số 31 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Vietnamplus

Đối với trường hợp nếu có sai sót về mặt chuyên môn, nghiệp vụ của các bác sĩ dẫn đến việc gây tử vong cho bệnh nhân, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 129 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội "Cố ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" với khung hình phạt từ 01 đến 05 năm tù giam. 

Người phạm tội còn có có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm. 

Tùy vào tình tiết của vụ việc mà các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện thẩm mỹ còn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" được quy định tại Điều 315 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với khung phạt từ 01 năm đến 05 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

  Xem thêm: Không nhường đường cho xe cứu thương khi lưu thông trên đường bị xử lý ra sao?

Về trách nhiệm bồi thường: Căn cứ vào các Điều 584, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người có hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác mà gây thiệt hại thì sẽ phải bồi thường. 

vu-nu-benh-nhan-tu-vong-sau-khi-cang-da-mat-tai-bv-tham-my-jk-nhat-han2-1710737810.jpeg
Phẫu thuật thẩm mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà nhiều người không lường trước được.

Trong trường hợp này, người vi phạm quy định về khám chữa bệnh sẽ phải bồi thường cho thân nhân của người bị tử vong. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được xác định bao gồm các chi phí như: 

- Chi phí cấp cứu.

- Thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại và của người thăm nuôi. 

- Chi phí mai táng

- Chi phí cấp dưỡng cho những người mà  người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Bồi thường tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm. 

Ở góc độ khác, cũng cần xem xét ở khía cạnh của nạn nhân. Trong trường hợp nạn nhân có ký cam kết rủi ro khi phẫu thuật thẩm mỹ và không cung cấp cho các bác sĩ về tình hình sức khỏe của mình, đồng thời toàn bộ quá trình tiến hành phẫu thuật đều đáp ứng các quy định của pháp luật, của Bộ Y tế, không để xảy ra sai sót thì có thể bác sĩ sẽ không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này. 
 

Hồng Hạnh

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/phau-thuat-cang-da-mat-khien-nu-benh-nhan-tu-vong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-950.html