Bộ Nông nghiệp muốn bán đấu giá gần 5 triệu tấn carbon qua sàn giao dịch quốc tế

Đây là nội dung quan trọng trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư giai đoạn 2018 - 2019.

Bộ Nông nghiệp muốn bán đấu giá gần 5 triệu tấn carbon

Trong tổng số 5,9 triệu tấn carbon còn dư, Bộ Nông nghiệp muốn chuyển nhượng 1 triệu tấn cho Ngân hàng Thế giới, số còn lại tiến hành bán đấu giá qua sàn giao dịch quốc tế. 

Nội dung trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải kính còn dư giai đoạn 2018 - 2019.

Theo đó, vào hồi tháng 10/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có thư gửi Bộ xác nhận kết quả giảm phát thải tạo ra từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn carbon (CO2). 

Như vậy, kết quả này đủ để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo thỏa thuận ký trước đó. Mỗi tấn CO2 có giá chuyển nhượng 5 USD với số tiền thu về tương đương 1.250 tỷ đồng.

Sau khi tiến hành chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 này, Việt Nam còn dư 9,91 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018 - 2019. Bộ đề xuất chuyển thêm 1 triệu tấn CO2 cho WB. Số còn, Bộ Nông nghiệp muốn Thủ tướng Chính phủ đề xuất WB giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức đã thực hiện tại ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Nguyên nhân do thời điểm này, Việt Nam khó tìm được đối tác để trao đổi thương mại khi mảng này còn khá mới. 

bo-nong-nghiep-muon-ban-hon-5-trieu-tan-carbon-cho-the-gioi2-1711081023.jpg
Ngân hàng Thế giới muốn mua thêm 1 triệu tấn CO2 của Việt Nam với giá 5 USD/tấn

Thời điểm hiện tại, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện của thế giới đang giao động ở mức 2 - 4 USD một tấn CO2, trong đó mức giá carbon của lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất năm 2021 đạt 3,07 USD một tấn. 

Thời gian qua, Việt Nam cũng đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh từ WB do hạn chế được tình trạng mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường lưu trữ carbon thông qua việc trồng rừng, tái tạo rừng. 

Việc bán tín chỉ carbon này nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính ở khu vực Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

   Xem thêm: Thủy điện Nậm Pia ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong năm 2023

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Á Thái Bình Dương nhận được thanh toán 

Theo WB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thuộc khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của WB. 

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thành công của chương trình Cơ chế đền đáp tài chính (REDD+) đã đưa Việt Nam đến gần hơn với việc thực hiện các đóng góp do quốc gia tự quyết theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, song hành cùng với đó là bảo vệ các khu vực quan trọng trong vấn đề bảo tồn sinh học.

bo-nong-nghiep-muon-ban-hon-5-trieu-tan-carbon-cho-the-gioi-1711081023.jpg
Theo Bộ Nông nghiệp, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018-2019.

Các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng, suy thoái rừng hoặc tăng cường trồng, tái tạo rừng, tái tạo thảm thực vật, tăng cường quản lý rừng sẽ tạo ra tín chỉ carbon. 

Các chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng mà mình đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2 ra tín chỉ carbon và bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. 

Sẽ hoàn thành thủ tục chuyển nhượng trước ngày 31/3/2024

Nếu được Thủ tướng đồng ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục chuyển nhượng trước ngày 31/3/ 2024. 

Trong trường hợp thực hiện phương án thí điểm đấu giá trên sàn giao dịch quốc tế, giao Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp xây dựng phương án thí điểm đấu giá báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Nông nghiệp nhận định rằng nhìn chung các Bộ và địa phương đều đồng thuận việc chuyển nhượng bổ sung cho WB. Riêng Bộ Tài chính và một số địa phương có đề nghị xem xét thêm về mức giá chuyển nhượng hoặc xem xét phương án chuyển nhượng cho đối tác ngoài WB.

Bộ Nông Nghiệp cũng đánh giá kết quả giảm phát thải chuyển nhượng cho WB là kết quả tạo ra trong quá khứ (giai đoạn 2018 - 2019) nên rất khó để có thể tìm kiếm các đối tác để thực hiện trao đổi, thương mại. Chính vì thế, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đối với lượng giảm phát thải số carbon còn lại là điều cần thiết.

 * Theo Vnexpress, Vietnamnet, Công Thương

Hồng Hạnh (t/h)

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/bo-nong-nghiep-muon-ban-dau-gia-gan-5-trieu-tan-carbon-qua-san-giao-dich-quoc-te-989.html