Từ vụ 2 phóng viên bị hành hung ở Hà Nội: Đối tượng cản trở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong khi đang tác nghiệp tại đám cháy ở Thanh Trì (Hà Nội), hai phóng viên đã bị nhóm côn đồ gồm 3 người lao vào hành hung, cản trở.

Theo tin tức trên báo Dân trí, VTC News, sự việc xảy ra vào đêm 23/4 tại thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Vào thời điểm trên Công an huyện Thanh Trì đã tiếp nhận trình báo về một vụ cố ý gây thương tích. Cụ thể, theo bản tường trình, nạn nhân là anh C. và anh M. hiện đang là phóng viên tại hai đơn vị tòa soạn khác nhau. 

Tối cùng ngày, Anh C. và anh M. có nhận được thông tin về một vụ cháy ở nhà xưởng thôn Việt Yên. Cả hai đã được sự đồng ý của lực lượng chức năng để vào hiện trường tác nghiệp. 

phong-vien-bi-hanh-hung2-1713926489.jpg
Hai phóng viên bị thương nhẹ sau khi nhóm côn đồ lao vào tấn công. Ảnh Dân trí

Trong lúc đang tác nghiệp thì một nhóm côn đồ gồm 3 người lao tới hành hung hai phóng viên. Anh C. bị đánh vào đầu gây chảy máu, còn anh M. bị bóp cổ, đạp vào người. Hậu quả khiến hai phóng viên bị thương nhẹ. Bên cạnh đó, điện thoại của 2 nạn nhân cũng bị các đối tượng ném vỡ.

Sau khi sự việc xảy ra, hai phóng viên đã trình báo sự việc lên cơ quan công an. Hiện Công an huyện Thanh Trì đang thu thập các chứng cứ, điều tra làm rõ vụ việc.

phong-vien-bi-hanh-hung-1713926346.jpg
Nhóm côn đồ lao vào hành hung hai phóng viên. Ảnh VTC News

Đe dọa, hành hung nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Luật Báo chí 2016, một trong những hành vi bị nghiêm cấm, là: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể:

- Truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản…theo Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017.

Xử phạt vi phạm hành chính

Nếu hành vi hành hung nhà báo, phóng viên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP) như sau: 

Khung 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

Khung 2: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Khung 3: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;

- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Khung 4: Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các (2), (3) và (4) mục này;

- Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại (2) mục này.

Xem thêm: Từ ngày 1/1/2025, Nhà nước sẽ không cấp đất cho hộ gia đình 

Minh Khuê (t/h)

Link nội dung: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/tu-vu-2-phong-vien-bi-hanh-hung-o-ha-noi-doi-tuong-can-tro-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-1323.html