Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ấn tượng ngôi làng cổ 500 năm, nơi hội quân của Hưng Đạo Đại vương

Làng Cựu (huyện Phú Xuyên, Tp.Hà Nội) với lịch sử hơn 500 năm không chỉ độc đáo với những kiến trúc "độc nhất vô nhị" mà còn là ngôi làng giàu truyền thống yêu nước, đánh giặc ngoại xâm.

Truyền thống yêu nước nồng nàn

Làng Cựu có tuổi đời 500, nằm khép mình bên dòng sông Nhuệ thuộc xã Tứ Vân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ngày nay, làng được biết đến với nhiều công trình di sản truyền thống với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp rất độc đáo.

Ông Trần Ngọc Thụ (84 tuổi, người trông coi nhà thờ họ Trần) cho biết, từ thế kỷ 13, thuỷ tổ họ Trần đã đến vùng đất này để xây dựng cơ nghiệp. Cụ tổ sinh ra 2 người con trai, trong đó người con thứ là Trần Miêu Thuật nổi tiếng với tài nuôi hổ.

Ấn tượng ngôi làng cổ 500 năm, nơi hội quân của Hưng Đạo Đại vương- Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Thụ đã trông coi nhà thờ họ Trần tại làng Cựu gần 30 năm qua.

Sau khi qua đời, cụ Thuật rất thiêng và được an táng trên thế đất đẹp. Tiếp đến đời thứ ba của họ Trần là cụ Trần Văn Lâm đã về làng rông coi mộ tổ rồi lập nên làng Cựu. Về sau cụ Lâm được tôn là Thành hoàng làng.

Đến năm 1921, sau khi làng Cựu xảy ra hoả hoạn đã thiệu rụi phần lớn các ngôi nhà trong làng, đền thờ họ Trần cũng bị cháy và đã được xây dựng lại khang trang hơn. Đến nay, sau 100 năm đền thờ vẫn tồn tại và là một trong những công trình cổ nhất của làng.

Ấn tượng ngôi làng cổ 500 năm, nơi hội quân của Hưng Đạo Đại vương- Ảnh 2.

Những dãy nhà cổ san sát những bức tường bong tróc nhưng vẫn giữ được nét hoa văn, hoạ tiết độc đáo.

Ông Thụ cho biết, theo gia phả ghi chép, thời điểm Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đánh giặc Mông Nguyên cũng hội quân tại đây để bàn kế sách, chia quân đánh đuổi quân xâm lược. Do đó, người dân làng Cựu luôn có tinh thần và truyền thống yêu nước rất mãnh liệt.

Ông Trần Quang Trung (Trưởng thôn làng Cựu) cho hay, các cuộc chiến kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hầu hết các gia đình trong làng đều có con em tham gia chiến đấu. Riêng từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, làng Cựu có 10 liệt sĩ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lư cho hay, trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tất cả các thanh niên trai gái trong làng đều tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Người làm hậu phương, người ra tiền tuyến. Trong đó, rất nhiều người đã hi sinh hoặc để lại một phần cơ thể ngoài chiến trường để cùng góp phần vào thắng lợi của dân tộc.

Không chỉ cung cấp nhân lực, làng Cựu cũng cấp cấp lương thực cho tiền tuyến. Vào năm 1974, để có lối cho xe ô tô chở hàng tiếp viện, dân làng đã "hi sinh" đập bỏ chiếc cổng vào của làng để có đủ lối cho xe qua lại.

Vào thời điểm đó và đến tận bây giờ, nhiều người vẫn rất tiếc nuối khi phải đập bỏ chiếc cổng làng đã có tuổi đời gần 100 năm. Hiện nay chỉ còn chiếc cổng ra được xây dựng nhỏ hơn, dù trải qua bao năm tháng những công trình vẫn sừng sững và chỉ cần quét vôi ve lại.

Không chỉ tự hào với truyền thống yêu nước, những người như ông Lư còn tự hào về những công trình kiến trúc độc đáo của làng với khoảng 40 công trình được xây dựng trong khoảng năm 1921 đến 1945, thể hiện sự phồn thịnh một thời của làng Cựu.

Ấn tượng ngôi làng cổ 500 năm, nơi hội quân của Hưng Đạo Đại vương- Ảnh 3.

Cổng một ngôi nhà cổ tại làng Cựu được xây dựng khoảng năm 1945.

Một thời phồn hoa

Nói về lịch sử những công trình kiến trúc độc đáo của làng Cựu, ông Trần Quang Trung tâm đắc kể lại, xưa vốn làng vốn là vùng chiêm trũng, cuộc sống của người dân thốn quanh năm. Sau vụ hoả hoạn năm 1921, người dân nơi đây lại càng trở nên khốn quẫn nhiều người đã khăn gói rời làng ra Hà Nội tìm kế sinh nhai.

Nghề thợ may đã giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc đời. Hai người đầu tiên bước chân vào nghề may là anh em ông Phúc Mỹ, Phúc Hưng. Sau khi làm ăn phát đạt, các ông kéo mọi người đi cùng đi làm cùng.

Với đôi bàn tay khéo léo, may ra những bộ vest, bộ đầm phục vụ người Pháp và giới nhà giàu ở Hà Nội đã đưa "tên tuổi" nghề may làng Cựu thống trị đất Hà thành và phát triển vào cả vào Chợ Lớn-Tp.HCM.

Nghề may và buôn vải đã giúp làng Cựu xuất hiện những triệu phú thời đó. Giàu thì chơi sang, người dân về làng xây biệt thự và ảnh hưởng bởi lối kiến trúc của Pháp, những công trình lần lượt mọc lên thay nhà tranh vách đất trở thành biểu tượng cho phồn hoa một thời của làng Cựu và là di sản đáng tự hào đến ngày nay.

Ấn tượng ngôi làng cổ 500 năm, nơi hội quân của Hưng Đạo Đại vương- Ảnh 4.

Ông Trần Quang Trung tự hào kể về lịch sử của làng.

Đến làng Cựu, mọi người thấy những cảnh vật quen thuộc của làng quê Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình. Những căn nhà nơi đây với nét pha trộn giữa nét văn hoá Á Đông và phương Tây đã đem đến cho làng Cựu sự độc đáo riêng.

Ông Trung mong muốn địa phương có sự quan tâm hơn nữa để giữ gìn và phát huy những nét kiến trúc độc đáo của làng Cựu. Qua những minh chứng lịch sử còn lại, mỗi gia đình có thể giáo dục con cháu về những niềm tự hào của của quê hương, đồng thời quảng bá đến được đến nhiều du khách ghé thăm.

Ấn tượng ngôi làng cổ 500 năm, nơi hội quân của Hưng Đạo Đại vương- Ảnh 5.

Ngôi nhà của cụ phó Du, một quan chức trong làng được xây năm 1929 nằm ở đầu làng

Ấn tượng ngôi làng cổ 500 năm, nơi hội quân của Hưng Đạo Đại vương- Ảnh 6.

Nét kiến trúc độc đáo phần mái ngôi nhà cụ phó Du, qua hàng trăm năm ngôi nhà vẫn rất kiên cố.

Trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo UBND xã Tứ Vân cho biết, các cấp và ngành luôn quan tâm phát triển đến làng Cựu. Cụ thể, làng Cựu nằm trong kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội" tại các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên năm 2024" của Sở Du Lịch.

Bên cạnh đó, trong "Kế hoạch phát triển du lịch làng cổ thôn Cựu", UBND huyện Phú Xuyên cũng đã xác định kế hoạch đầu tư nâng cấp, quy hoạch tổng thể làng Cựu với không gian, công trình hàng mục phù hợp với phát triển du lịch. Trong thời gian tới, có thể khai thác, phát huye thế mạnh vốn có của làng cổ.

Trải qua bao thăng trầm, làng Cựu vẫn giữ được dấu ấn truyền thống đặc trưng. Không giống làng cổ Đường Lâm và làng Đông Ngạc có kiến trúc truyền thống với những ngôi nhà gỗ cổ kính, làng Cựu nổi bật với kiến trúc giao thoa, dù được xây dựng theo phong cách châu Âu nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.

Nguyễn Thuận