Tác động của vụ Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) – một trong những công ty cho vay nổi tiếng nhất trong giới khởi nghiệp công nghệ (tech startup) Mỹ – sụp đổ vào sáng 10/3 đã gây ra những gợn sóng khắp ngành công nghệ ở Mỹ, Vương quốc Anh và các quốc gia khác, bao gồm cả Israel, nơi SVB có chi nhánh.
Anh muốn tránh hậu quả nghiêm trọng hơn
Bộ tài chính Anh hôm 11/3 cho biết, Bộ này và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang làm việc để giảm thiểu sự gián đoạn có thể phát sinh theo sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ vì SVB cũng có chi nhánh ở Vương quốc Anh, gọi là SVB UK.
Theo một tuyên bố của Bộ tài chính Anh, các cuộc thảo luận hôm 11/3 đã xem xét vấn đề của các công ty công nghệ Anh bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của SVB. Trước đó, hôm 10/3, BoE cho biết họ đang xin lệnh của tòa án để đưa SVB UK vào thủ tục phá sản.
“Chính phủ Anh nhận ra rằng các công ty trong lĩnh vực công nghệ thường không có dòng tiền dương khi họ phát triển và họ dựa vào tiền mặt từ tiền gửi để trang trải chi phí hàng ngày của họ”, tuyên bố của Bộ tài chính Anh cho biết.
Công ty tư vấn Rothschild & Co đang khám phá các lựa chọn cho SVB UK khi đơn vị này có thể sắp vỡ nợ, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết.
Hơn 250 giám đốc điều hành của các công ty công nghệ Vương quốc Anh đã ký một lá thư gửi tới Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt, kêu gọi sự can thiệp của Chính phủ Anh, theo một bản sao mà Reuters được tiếp cận.
“Những tin tức gần đây về việc SVB sắp vỡ nợ cho thấy một mối đe dọa hiện hữu đối với lĩnh vực công nghệ của Vương quốc Anh”, bức thư viết. “Cuối tuần này, phần lớn chúng tôi với tư cách là những nhà sáng lập công nghệ đang rà soát lại số liệu để xem liệu chúng tôi có khả năng vỡ nợ về mặt kỹ thuật hay không”.
“Hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động với lợi nhuận rất mong manh trong nền kinh tế hiện tại, và sự lây lan từ những vụ vỡ nợ ban đầu sẽ rất lớn và tác động đến nền kinh tế vượt ra khỏi lĩnh vực công nghệ”, bức thư viết.
Sky News đã đưa tin rằng trước đó, hôm 11/3, một ngân hàng thanh toán bù trừ của Anh, là Ngân hàng Luân Đôn, đang xem xét một gói thầu giải cứu chi nhánh SVB của Vương quốc Anh (SVB UK).
Theo thủ tục phá sản đối với các ngân hàng ở Anh, một số người gửi tiền đủ điều kiện nhận khoản bồi thường lên tới 85.000 bảng Anh (102.000 USD) đối với tiền mặt được giữ tại các ngân hàng hoặc 170.000 bảng Anh cho các tài khoản chung.
Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Anh cũng đang trao đổi về vấn đề với các công ty công nghệ bị ảnh hưởng.
Bà Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại công ty đầu tư Hargreaves Lansdown, cho biết trong một lưu ý gửi qua email rằng, sẽ có những cơn dư chấn trong lĩnh vực công nghệ vào tuần tới.
“Các cuộc đàm phán khẩn cấp liên quan đến khả năng tiếp quản sẽ diễn ra. Các cơ quan quản lý đang chịu áp lực đàm phán các gói cứu trợ để tránh hậu quả nghiêm trọng hơn nữa”, bà Streeter nói.
Bộ Tài chính Anh cho biết, hệ thống ngân hàng Anh vẫn mạnh mẽ và kiên cường. Các vấn đề ảnh hưởng đến SVB ở Mỹ là riêng biệt đối với ngân hàng này và không có tác động đối với các ngân hàng khác đang hoạt động tại Vương quốc Anh.
Israel cam kết giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Trong trường hợp của “quốc gia khởi nghiệp” Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 11/3 cảnh báo sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), vụ phá sản lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, đã tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong ngành công nghệ.
“Tôi đang theo dõi chặt chẽ sự sụp đổ của SVB ở Mỹ, điều đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn trong thế giới công nghệ cao”, Thủ tướng Israel viết trên Twitter hôm 11/3.
Ông Netanyahu cho biết, ông đã liên lạc với các nhân vật cao cấp trong giới công nghệ của Israel sau sự sụp đổ của SVB ở Mỹ.
“Nếu cần thiết, ngoài trách nhiệm với các công ty và nhân viên công nghệ cao của Israel, chúng tôi sẽ thực hiện các bước để hỗ trợ các công ty Israel, có hoạt động tập trung ở Israel, vượt qua cuộc khủng hoảng dòng tiền”, Thủ tướng Netanyahu cho biết, lưu ý rằng nền kinh tế Israel đang rất mạnh và ổn định.
Ông Netanyahu, người đang có chuyến thăm chính thức tới thủ đô Rome của Italy, cho biết ông sẽ thảo luận về mức độ của cuộc khủng hoảng với các Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế cũng như Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Israel khi ông trở về nước.
“Từ Rome, tôi đã có cuộc hội đàm với các nhân vật cấp cao trong lĩnh vực công nghệ cao ở Israel. Khi trở về Israel, tôi sẽ thảo luận về quy mô của cuộc khủng hoảng với các Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế cũng như Thống đốc Ngân hàng Israel”, ông Netanyahu viết trên Twitter.
Ông Netanyahu đảm bảo với các công ty công nghệ Israel có giao dịch ngân hàng với SVB rằng chính phủ của ông sẽ giúp các doanh nghiệp Israel bị ảnh hưởng vượt qua cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Sự sụp đổ của SVB đã gây ra những gợn sóng khắp ngành công nghệ ở Mỹ, Vương quốc Anh và các quốc gia khác, bao gồm cả Israel, nơi ngân hàng này có chi nhánh.
Các nhà quản lý Mỹ hôm 10/3 (giờ địa phương) đã đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), khi thị trường lo ngại về nguy cơ lây lan từ vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
SVB sau đó đã được đặt dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC).
Việc FDIC tiếp quản SVB thường có nghĩa là cơ quan này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả lại cho khách hàng, bao gồm cả người gửi tiền và chủ nợ.
SVB cũng là tổ chức đầu tiên được FDIC bảo hiểm phá sản trong năm nay. Tổ chức cuối cùng được FDIC bảo hiểm đóng cửa là Ngân hàng Bang Almena, Almena, Kansas, vào ngày 23/10/2020.
Minh Đức (Theo Reuters, NDTV)