Năm 2025, UBND tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 1,5 tỷ USD, cao hơn mức 1,29 tỷ USD năm 2024. Tỉnh định hướng ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn, AI có giá trị gia tăng cao và kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI tại Bắc Giang còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa theo kịp nhu cầu; trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên hầu như chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực bán dẫn, AI.
Trong khi đó, theo kế hoạch, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực công nghiệp bán dẫn, AI của Bắc Giang cần trên 20.000 người, trong đó trên 18.000 người được đào tạo mới.
Bắc Giang dự kiến, chính sách thu hút cán bộ, công chức, viên chức được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư khi nhận vào làm việc được nhận ngay 1 tỷ đồng/người; chức danh phó giáo sư 600 triệu đồng/người; người có bằng tiến sĩ 250 triệu đồng; người có bằng thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, công nghệ bán dẫn, AI, kỹ thuật cơ khí (100 triệu đồng/người). Người có bằng đại học chuyên ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, công nghệ bán dẫn, AI (50 triệu đồng/người).
Dự kiến tổng số tiền chi cho các chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực hơn 180 tỷ đồng, giai đoạn 2025 - 2030.
Từ đó, chính sách hỗ trợ đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (1 tỷ đồng/người); đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (600 triệu đồng/người); người được cấp bằng tiến sĩ (250 triệu đồng/người). Người được cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, công nghệ bán dẫn, AI, kỹ thuật cơ khí chính (100 triệu đồng/người).
Chính sách hỗ trợ đào tạo đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được cấp bằng tiến sĩ (250 triệu đồng/người); người được cấp bằng thạc sĩ (100 triệu đồng/người). Người được cấp chứng chỉ, chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (tối đa không quá 5 triệu đồng/người).
Chính sách hỗ trợ đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí học tập và vé máy bay, với mức hỗ trợ chi phí học tập 15 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ vé máy bay hạng phổ thông một lượt đi theo chi phí thực tế tối đa không quá 15 triệu đồng/người.
Đồng thời, người học được vay vốn thông qua hộ gia đình từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bắc Giang ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay, mức vay tối đa không quá 50 triệu đồng/năm học và không quá 150 triệu đồng/người học. Lãi suất cho vay 5%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Người học phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên kể từ ngày kết thúc khóa học 12 tháng.