Theo đại diện Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, các hành vi vi phạm quy định khi quảng cáo thực phẩm và phụ gia thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 52, Nghị định 38/2021 của Chính phủ, với mức phạt dao động từ 5 triệu đến 30 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Cụ thể, VOV.VN cho hay, người quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng không ghi rõ hoặc không đọc rõ dòng cảnh báo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên các phương tiện truyền thông sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng được áp dụng nếu nội dung quảng cáo không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm, thiếu thông tin quan trọng như tên sản phẩm, công dụng chính - phụ, đơn vị phân phối. Trường hợp phát tán nội dung quảng cáo tại nơi công cộng, hội chợ, hội thảo bằng các thiết bị điện tử nhưng không đúng với hồ sơ cũng thuộc khung xử phạt này.

Nếu tổ chức các sự kiện như hội chợ, hội thảo, triển lãm mà tại đó có phát tán tài liệu, hình ảnh, âm thanh quảng cáo thực phẩm, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung thì sẽ bị xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
Mức phạt cao nhất, từ 20 đến 30 triệu đồng, được áp dụng với các hành vi quảng cáo gây hiểu nhầm nghiêm trọng. Trong đó có việc sử dụng hình ảnh, trang phục, tên tuổi của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; đăng thư cảm ơn của bệnh nhân; hoặc dẫn lời người bệnh mô tả sản phẩm có tác dụng điều trị. Ngoài ra, nếu nội dung quảng cáo khiến người tiêu dùng hiểu lầm thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh thì cũng bị xử phạt ở mức này.
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, quy định hiện hành yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi quảng cáo thực phẩm phải đăng ký và được cấp phép nội dung, đảm bảo thông tin trung thực, đúng với chức năng, tác dụng đã công bố. Tuyệt đối không được sử dụng hình ảnh, tên tuổi, thư tín hay trang phục của bác sĩ, nhân viên y tế trong quảng cáo. Việc bác sĩ hay cán bộ y tế tham gia quảng cáo thực phẩm là hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của nội dung quảng cáo và tính chất sản phẩm.
Ngay cả bác sĩ nghỉ hưu, nếu vẫn còn hành nghề với giấy phép hợp lệ, cũng không được phép tham gia quảng cáo thực phẩm dưới danh nghĩa chuyên môn y tế. Pháp luật không giới hạn độ tuổi hành nghề, nhưng vẫn ràng buộc trách nhiệm chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đối với mọi hành vi công khai trước công chúng.
Trong video quảng cáo một trong gần 600 loại sữa giả cho bệnh nhân tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai - xuất hiện hình ảnh một số bác sĩ, chuyên gia y tế. Một bác sĩ nói bản thân họ "bị lợi dụng hình ảnh"
Bộ Y tế nhiều lần cảnh báo tình trạng bác sĩ, cán bộ y tế và người nổi tiếng sử dụng mạng xã hội để “thổi phồng” công dụng thực phẩm chức năng, biến sản phẩm thành "thần dược", gây hiểu nhầm nghiêm trọng với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng giả danh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm sai sự thật, làm xói mòn niềm tin và đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, tối 15/4, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc các bác sĩ, cán bộ y tế, KOLs vi phạm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng (như sữa), sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có bị xử phạt không, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định: Tất cả các cá nhân vi phạm đều phải bị xử phạt.
Vậy ai sẽ là người xử phạt những cá nhân (bao gồm cả cán bộ y tế) vi phạm quy định quảng cáo?
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết: "Tùy vào từng sản phẩm mà có quy định cụ thể phân cấp xử phạt.
Quản lý và quảng cáo sữa là cơ quan chuyên môn của UBND các tỉnh thành. Như vừa rồi, vi phạm liên quan đến viên kẹo rau Kera của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt bị phạt 125 triệu đồng, là do Thanh tra Sở An toàn thực phẩm TPHCM ra quyết định xử phạt.
Trong khi đó, với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm xử phạt cơ sở kinh doanh, sản xuất khi có vi phạm", vị này thông tin.
Theo đó, quy định xử phạt được nêu rõ trong Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm quảng cáo. Cơ quan quản lý trực tiếp sẽ đứng ra xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm quảng cáo, còn Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý vi phạm ở cơ sở sản xuất kinh doanh.
"Hình ảnh bác sĩ mặc áo blu trong quảng cáo sữa, thực tế bất cứ ai cũng có thể mặc áo blu để mạo danh; bác sĩ đã về hưu... và đó là cá nhân vi phạm và có quy định xử lý vi phạm. Với vụ sữa giả, chưa bao giờ phát hiện vụ quy mô lớn như thế này liên quan sữa", vị này cho biết.