Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bài thuốc gia truyền cứu chữa hàng ngàn người bị “độc xà” hạ sát

Trong một lần đi rừng, vô tình người bạn của ông ngoại ông Bình bị rắn độc cắn. Tưởng chừng người đó sẽ không qua khỏi thì bất ngờ được một người dân tộc cứu sống. Nghĩ đến cảnh người dân quê mình cũng thường xuyên bị rắn độc cắn nên ông ngoại ông Bình đã quyết tâm theo học và mang bài thuốc đó về cứu giúp những người không may bị “độc xà hỏi thăm”.

Lương duyên
Từ thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, xuôi theo đường 21A chừng 5km thì tới nhà lương y Nguyễn Văn Bình trú ở xã Hải Tân. Căn nhà nhỏ của ông Bình nằm ven sông ẩn sau những hàng cây xanh cổ thụ, một nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ. 
Thấy có người tìm đến, chưa để cho khách cất lời, lương y Bình đã sang sảng: “Anh bị rắn cắn à? Bị lâu chưa?”. Chỉ đến khi thấy chúng tôi đáp lời, ông Bình vội cười ngượng rồi nói: “Tôi bị bệnh nghề nghiệp, cứ thấy người lạ tìm đến là nghĩ đến chuyện họ bị rắn độc cắn”.
Nhấp nhẹ ngụm nước trà nóng hổi, ông Bình nói như phân trần: “Thực tế, công việc của tôi là làm về cây cảnh, còn chữa trị rắn độc cắn chủ yếu là cứu người và để tiếp giữ cái nghề gia truyền của nhà mình thôi”.

Ông Nguyễn Văn Bình, người đã cùng gia đình cứu chữa hàng ngàn người bị rắn độc cắn.

Bằng chất giọng sền sệt miền biển Hải Hậu, lương y Bình đưa chúng tôi quay trở về cách đây khoảng 60 năm – thời điểm mà ông ngoại của lương y Bình có cơ duyên học được bài thuốc chữa rắn độc. 
Theo đó, những năm 60 của thế kỷ trước, ông ngoại ông Bình có đi lên vùng Hòa Bình – Thanh Hóa để đi chặt cây luồng mang về dưới xuôi bán cùng mấy người bạn. Trong chuyến đi đó, không may trong đoàn có một người bị rắn độc cắn. Mặc dù đã hút máu, lấy dao cạo thật mạnh, garo gần vết thương nhưng người đàn ông này vẫn tím tái và có biểu hiện khó thở. “Vì đang ở trong rừng nên ai cũng nghĩ ông T. (người đàn ông bị rắn cắn) sẽ chết nên ai cũng sợ” – ông Bình tả lại lời của ông ngoại mình. May thay, có một người dân tộc Mường đi qua, sau khi làm mấy động tác sơ cứu, nắn bóp, người dân tộc đã đến ngắt ít lá cây trong rừng, nhai nát, vắt lấy nước, còn bã thì đắp vào vết thương rồi băng bó lại. Khoảng hơn 2 tiếng sau, ông T. tỉnh lại, dần dần hổi phục rồi khỏe hẳn như có chuyện gì xảy ra. 
Thấy phương thuốc thần kỳ cộng thêm với việc ở quê nhiều người dân hay bị rắn độc cắn, ông ngoại ông Bình đã xin đi theo người dân bản đó đi rừng, hái lá thuốc. 
Trở về địa phương, nhờ học được bài thuốc trên, ông ngoại ông Bình đã cứu được nhiều người thoát khỏi cái chết từ những con “độc xà”. Rơm rớm nước mắt, ông Bình kể: “Trước khi lìa trần ông tôi đã truyền lại nghề cho bố tôi. Cũng chính việc nhiều lần chứng kiến và cùng bố tôi cứu chữa khỏi cho những người dân trong vùng bị rắn độc cắn nên tôi đã học theo và duy trì cho đến tận bây giờ”.
 

Cây bồ cu vẽ, một trong những loài cây dược liệu được trồng tại vườn nhà ông Bình

Nhiều người được cứu sống
Hơn 60 năm trong nghề, gia đình ông Bình đã cứu chữa khỏi, giữ lại sinh mạng cho hàng ngàn người dân quanh vùng và các tỉnh lân cận. Do có kinh nghiệm từ nhỏ, chỉ cần nhìn vào dấu răng rắn cắn trên người nạn nhân và triệu chứng lâm sàng của người bệnh là ông Bình có thể phân biệt được người bệnh bị loại rắn nào cắn và từ đó có phương pháp chữa trị. 
Ông Bình cho biết: “Nếu bị rắn hổ cắn thì 2 dấu răng khít, sâu và đen thẫm, người bị rắn hổ cắn thì bị nhức và sưng, tấy to; Người bị rắn cạp nia, cặp nong cắn thì bị ngứa, tê, buốt, nhức và cứng, nọc độc chảy tới đâu người bệnh có thể cảm nhận được độ nhức và tê tới đó”. Khi xác định được nọc độc của loại rắn, ông Bình vệ sinh vết thương, sau đó lấy các loại cây lá thuốc có sẵn trong vườn nhà và từ vùng cao gửi về, giã nhuyễn, giã lấy nước cho bệnh nhân uống, bã thì đắp vào vết thương cho bệnh nhân. 
Để thuốc nhanh hiệu quả, ông Bình xoa bóp cho bệnh nhân, sau đó dùng dao lam rạch ở chỗ vết rắn cắn một đường giao lam. Từ vết rạch đó, máu độc của bệnh nhân chảy ra ngoài, dần dần cơ thể người bệnh hồi phục lại. Có những người được ông Bình chữa khỏi trong gang tấc.
Nhớ về thời điểm cách đây khoảng hơn một tháng, anh Trịnh Đình Cần, 41 tuổi xã Hải Xuân kể, buổi sáng hôm đó, khi tôi đi nhấc lưới thì bất ngờ bị một con rắn cặp nia rắn vào ngón tay. Mặc dù rất buốt, tôi đã lấy dây buộc chặc vào cẳng tay rồi bảo ngừơi thân đưa đến nhà ông Bình. “Lúc này, toàn bộ cánh tay của tôi tê cứng và có dấu hiệu khó thở. Rất may, nhờ ông Bình mà tôi được cứu sống. Chỉ chậm ít phút nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra” – anh Cần nhớ lại. 
Cũng theo lời anh Cần, sau khi được ông Bình sơ cứu, cho uống và đắp thuốc vào vết rắn cắn, chỉ một thời gian ngắn, anh Cần thấy da dẻ mình hồng hào trở lại và dễ thở hơn. Đặc biệt vết thương không còn tê buốt nên chỉ mấy tiếng sau anh được ông Bình cho về nhà nghỉ ngơi. Sau 2 ngày thì anh Cần khỏi hẳn.


 Anh Trịnh Văn Cần (bên trài) người được ông Bình chữa khỏi sau khi bị rắn cạp nia cắn. 

Một bệnh nhân nữa mà ông Bình cũng kể với chúng tôi trong buổi gặp gỡ này đó chính là anh Phạm Văn Đệ, người xã Hải Vân, Hải Hậu. Trong một lần đi rẫy gần biên giới Campuchia, anh Đệ không may bị rắn chàm quạp cắn. Giữa nơi rừng thiêng nước độc, không quen biết ai, người thân thì ở xa, a Đệ đã đăng lên page Những người con Hải Hậu, qua kênh đó mọi người đã nhờ tôi hỗ trợ. Do địa hình ở xa, nên ông Bình đã hướng dẫn anh Đệ bằng điện thoạ. Nhờ đó mà anh Đệ đã giữ không để độc tố lan ra trong cơ thể. Nhờ đó mà anh Đệ đã tới bệnh viện chạy chữa kịp thời. 
Hay một trường hợp khác là bà Ninh Thị Thục, 60 tuổi, trú ở xã Hải Cường, Hải Hậu. Theo đó, bà Thục bị rắn hổ mang cắn vào ngón tay khi đi làm cỏ ngoài bờ ao, sau khi buộc lại vết thương, bà được chồng đưa tới gặp ông Bình. Tới đây, tay bà Thục sưng to, vết cắn bị tím tái lại, có thể bị hoại tử. Nhưng nhờ bài thuốc thần kỳ của gia đình ông Bình mà chỉ sau 3 tiếng  bà Thục hết hẳn các triệu chứng. Một thời gian sau thì tay bà Thục khỏi hẳn, ngón tay không bị hoại tử một chút nào.

Bà Ninh Thị Thục, Hải Cường, Hải Hậu, người bị rắn hổ mang cắn

"Đối với từng loại rắn mà tôi sẽ cho nạn nhân uống liều lượng thuốc khác nhau. Sau khi dùng thuốc, nạn nhân phải nằm nghỉ từ 2-3 tiếng để tôi theo dõi, đến khi khỏe hẳn mới cho về nhà", ông Bình chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ có người ở huyện Hải Hậu tìm đến mà nhiều người ở các địa phương khác như: Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… cũng tìm đến ông mỗi khi có người thân bị rắn cắn. Khi được hỏi cho đến nay ông đã cứu được bao nhiêu người, ông Bình cười hiền: “Tôi cũng không nhớ, chỉ nhớ là rất nhiều thôi. 
Tuy dành lại mạng sống cho rất nhiều người, ông Bình chỉ nhận thù lao tùy tâm của người được ông chữa khỏi, gọi là tiền thuốc lấy từ vùng cao về mà không quan trọng người bệnh đưa nhiều hay ít
Ông Bình bảo rằng: "Từ lúc theo ông ngoại và bố học nghề, ông đã có quan điểm mình đã có cái duyên với nghề thì cố gắng tìm tòi, học hỏi, không đặt mục đích thương mại, cứu chữa giúp người là chính. Hành nghề này không chỉ nhanh tay, nhanh mắt để dành lại mạng sống cho bệnh nhân mà cần phải có cái tâm nữa". 
Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, ông Mai Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Hải Tân, Hải Hậu xác nhận: "Gia đình ông Bình tham gia chữa nhiều trường hợp bị rắn, cho dại cắn. Mặc dù chữa bệnh bằng phương thuốc dân gian nhưng ông Bình đã trị khỏi bệnh cho nhiều người”.

Rắn độc là các loài rắn có nọc độc, chúng sử dụng nước bọt, chất độc tiết qua những chiếc nanh trong miệng chúng để làm tê liệt hoặc giết con mồi (ngược lại, đa số loài rắn không độc xiết con mồi đến chết). Nọc độc rắn có thể là độc tố thần kinh hoặc độc tố máu. Độc tố thần kinh tấn công hệ thần kinh trong khi độc tố máu tấn công hệ tuần hoàn. Trong số khoảng 3.500 loài rắn trên thế giới, khoảng 600 có nọc độc