Dự đoán về ngành ngân hàng năm 2023, VnDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh 200 điểm cơ bản lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp.
“Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, câu chuyện tăng vốn sẽ lại là một chủ đề đáng chú ý trong năm tới, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh”, VnDirect nhận định.
Công bố mức lãi hàng chục nghìn tỷ đồng tuy nhiên nhìn vào báo cáo tài chính quý IV/2022 của một số nhà băng, có thể thấy rõ mức nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng.
Kết thúc năm 2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) với lãi trước thuế cao nhất lịch sử, đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước.
Báo lãi “khủng” tuy nhiên chất lượng tín dụng của Vietcombank đang có chiều hướng đi xuống. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ xấu của Vietcombank ở mức 7.808 tỷ đồng, tăng 28% so với con số 6.121 tỷ đồng vào năm 2022. Đặc biệt, cơ cấu nợ xấu của Vietcombank chiếm chủ yếu là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 6.623 tỷ đồng, còn lại là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 772 tỷ đồng, nợ duới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) 412 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, đến hết ngày 31/12/2022, cơ cấu tài sản thế chấp của Vietcombank chiếm tới 74% là bất động sản. Cần biết, trong bối cảnh thị trường đang gặp vấn đề thanh khoản, việc xử lý các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản là điều không hề dễ.
Góp mặt trong “bảng vàng” những ngân hàng quốc doanh “ăn nên làm ra” trong năm 2022 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt lần lượt đạt mức 23.058 tỷ đồng và 21.113 tỷ đồng. Chỉ số lợi nhuận khả quan nhưng quy mô nợ xấu của hai ngân hàng cũng “tăng trưởng” ở mức hai con số. Cụ thể, tại BIDV, nợ xấu của ngân hàng này đang ở mức 17.622 tỷ đồng ,tăng 30% so với cuối năm 2021. Còn tại Vietinbank, nợ xấu đã đạt mức 15.726 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong đó, tính đến ngày 31/12/2022, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của BIDV đạt mức 11.760 tỷ đồng, tăng tới 61% so với mức 7.283 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Với Vietinbank, nợ nhóm 5 tính đến cuối năm 2022 là 6.234 tỷ đồng, tăng tương ứng 19% so với năm ngoái.
Cả Vietinbank và BIDV, thời gian qua, đã ồ ạt rao bán các khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản. Đáng chú ý, Vietinbank còn bán đấu giá 646 khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo.
Nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cao nhất tính đến cuối năm 2022 bao gồm Vietbank, ABBank, Ngân hàng Bản Việt, PG Bank, SHB, VIB, VPBank và Saigonbank.
Báo lãi ở mức “tỷ USD” với mức lợi nhuận trước thuế hết năm 2022 lên tới 21.200 tỷ đồng, tuy nhiên nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tăng trưởng mạnh và nhanh. Cụ thể, trong đó nợ có khả năng mất vốn ở mức 7.160 tỷ đồng, tăng tới 250% so với cùng kỳ.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm rất ấn tượng đạt 9.659 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2021. Lãi ròng của nhà băng này trong năm 2022 đạt 7.705 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của ngân hàng này tăng từ 3.031 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 6.573 tỷ đồng. Các nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của ngân hàng này nhìn chung giữ ổn định.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Ngân hàng TMCP An Bình(ABBank), nhóm nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng từ 863,6 tỷ đồng (đầu kỳ) lên mức 1.404 tỷ đồng (cuối kỳ). Nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của nhà băng này cũng tăng lên mức lần lượt ở mức 540,5 tỷ đồng và 420,7 tỷ đồng.
Đáng nói hơn cả là trường hợp của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank), khi nợ xấu của nhà băng tính đến ngày 31/12/2022 đã vọt lên mức 2.324 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm, đồng nghĩa với tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng duy trì tới mức 3,65%. Cơ cấu nợ nhóm 5 lên tới 1.814 tỷ đồng cũng là một dấu hỏi lớn cho chất lượng tín dụng của ngân hàng này.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về hiện tượng các ngân hàng báo lãi “khủng” nhưng nợ xấu lại tăng cao, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay: “Các con số thể hiện ngân hàng lãi khủng trong năm 2022, theo tôi, chỉ mang tính chất tương đối. Họ hoàn toàn đủ khả năng hạch toán để tăng lãi hoặc thậm chí tăng lỗ. Vấn đề chính ở đây là dòng tiền của các ngân hàng”.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng báo lãi nhưng thực chất đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền, nguồn vốn. Thêm vào đó, suy thoái kinh tế là viễn cảnh được dự báo cho năm 2023.
“Tình hình thực tế không đẹp như những con số. Cá nhân tôi cho rằng nợ xấu nội bảng, ngoại bảng của các ngân hàng còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu các ngân hàng không giải quyết được thì rất có thể phải báo lỗ trong quý I/2023”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
PV