Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bắt bà Nguyễn Thị Như Loan: Lòng vòng mua bán, thu lợi trăm tỷ dự án Bến Vân Đồn

Quốc Cường Gia Lai từng thâu tóm 100% cổ phần Phú Việt Tiến - chủ đầu tư dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn vốn thuộc sở hữu của Nhà nước rồi nhanh chóng chóng bán lại cho các doanh nghiệp và cá nhân khác để thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Như đã thông tin, chiều ngày 19/7/2024, Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam; lệnh khám xét của Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Chân dung bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai

Đây là động thái mới nhất từ phía cơ quan chức năng liên quan đến quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Ngay trong sáng cùng ngày, hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên của Bộ Công an và đại diện Viện Kiểm sát đã có mặt tại tư gia của bà Nguyễn Thị Như Loan trên đường Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, mặc dù lý do cho sự xuất hiện của lực lượng chức năng chưa được công bố song các nhà đầu tư đã nhanh chóng “tháo chạy" tại cổ phiếu QCG. Kết quả, mã này giảm hết biên độ, xuống mức 9.070 đồng/cp và đến hết phiên giao dịch vẫn còn dư bán hơn 3,5 triệu cổ phiếu tại giá sàn.

Thực tế, cổ phiếu QCG đã bắt đầu giảm mạnh kể từ khi bà Nguyễn Thị Như Loan (nắm 37,05% cổ phần) và con gái Nguyễn Ngọc Huyền My (14,32% cổ phần) vắng mặt tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 30/6, khiến cuộc họp không thể diễn ra như dự kiến. So với mức giá 12.900 đồng/cp ghi nhận tại ngày 1/7, đến nay, cổ phiếu QCG đã giảm 33%, tương ứng vốn hóa "bốc hơi" 1.235 tỷ đồng.

Đáng nói, sự “biến mất" của bà Như Loan với lý do sức khoẻ trong suốt thời gian vừa qua đã dấy lên không ít nghi ngại về tình hình của Quốc Cường Gia Lai. Mặc dù đã lên tiếng phủ nhận, Quốc Cường Gia Lai được cho là có liên quan tới sai phạm xảy ra tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Bà Rịa, và Công ty Cao su Đồng Nai quản lý. Sự nghi ngờ của các nhà đầu tư ngày một dâng cao khi hàng loạt nhân vật liên quan tới vụ án lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam.

4 bị can bị khởi tố vào ngày 15/7

Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra hiện đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Quốc Cường Gia Lai và các đơn vị, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Quốc Cường Gia Lai từng khẳng định chuyển nhượng đúng quy định

Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 30/5 được ký bởi bà Nguyễn Thị Như Loan, Quốc Cường Gia Lai khẳng định "nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn từ chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn với giá hơn 464 tỷ đồng đúng quy định".

Cụ thể, năm 2013, doanh nghiệp đã tiến hành đàm phán, đặt cọc cho Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện) để nhận 100% vốn tại Phú Việt Tín - chủ đầu tư của dự án. Số tiền doanh nghiệp đã chi để nhận 100% phần vốn góp này là 464,2 tỷ đồng, không phải 6 tỷ đồng như một số đơn vị đăng tải thông tin.

Quốc Cường Gia Lai cho biết chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Cao su Bà Rịa về việc chuyển nhượng vốn góp này. Doanh nghiệp này nói thêm, hồ sơ pháp lý của Công ty Phú Việt Tín, dự án tại khu đất Bến Vân Đồn được Quốc Cường Gia Lai nghiên cứu "đầy đủ và đúng quy định mới ký hợp đồng nhận chuyển nhượng".

Cũng theo văn bản của Quốc Cường Gia Lai, đầu tháng 9/2014, thương vụ chuyển nhượng hoàn tất. Sau đó, "đại gia phố núi" tiếp tục nhượng 462,2 tỷ đồng cho một pháp nhân khác.

Quốc Cường Gia Lai nhấn mạnh, tất cả các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, hoạt động kinh doanh, kết quả kinh doanh phát sinh trong kỳ đều được công ty thực hiện kê khai, hạch toán, báo cáo theo đúng quy định và chuẩn mực kế toán. Các thông tin đều được công bố công khai, minh bạch theo đúng quy định của Sở giao dịch Chứng khoán, UBCKNN.

Đối chiếu với báo cáo tài chính quý III/2014, doanh nghiệp này ghi nhận phát sinh khoản đầu tư 453,7 tỷ đồng vào dự án Bến Vân Đồn.

Tại thuyết minh, Quốc Cường Gia Lai cho hay, đây là khoản đầu tư mua lại cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín (Phú Việt Tín) để đầu tư dự án Khu Trung tâm thương mại, văn phòng tại căn hộ số 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, tại thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Quốc Cường Gia Lai cho biết, doanh nghiệp này đã thoái lại toàn bộ vốn cổ phần này và đang trong quá trình hoàn tất chuyển nhượng.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính kiểm toán được kiểm toán bởi EY năm 2014 cho thấy, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận lãi gần 382 tỷ đồng từ khoản đầu tư "chớp nhoáng" này.

Tại thuyết minh chi tiết, theo hợp đồng mua bán ngày 5/9/2014, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư của mình trong Phú Việt Tín - một khoản đầu tư mới trong năm 2014 cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng với số tiền 830 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi là 381,8 tỷ đồng.