
Theo Dân trí, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đang điều trị tích cực cho một bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Đó là trường hợp của bà V.T.M. (66 tuổi, trú tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông).
Ngày 17/5, bà M. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cấp cứu trong tình trạng khó thở, sốt cao và mệt mỏi. Qua kiểm tra, bệnh nhân được xác định mắc Covid-19 trên tiền sử bệnh lý nền gồm tăng huyết áp và tiểu đường type II.
Phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã triển khai điều trị tích cực cho bệnh nhân, sử dụng liệu pháp oxy dòng cao, truyền dịch, vận mạch, kháng sinh mạnh, thuốc chống viêm, kháng đông và lọc máu liên tục.
Sau thời gian điều trị, bệnh nhân có chuyển biến tích cực, kết quả xét nghiệm có dấu hiệu cải thiện và được theo dõi sát sao.
Trước đó, theo Lao động, ngày 19/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã gửi công văn tới các bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế thuộc Bộ, ngành, yêu cầu tăng cường công tác phát hiện, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Các cơ sở y tế cần khẩn trương cập nhật, rà soát kế hoạch ứng phó theo các kịch bản dự báo, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, khu cách ly, trang thiết bị và vật tư y tế. Đồng thời, các biện pháp phòng chống lây lan phải được siết chặt, đặc biệt bảo vệ nhóm dễ tổn thương như phụ nữ mang thai, người cao tuổi và bệnh nhân nặng. Việc vệ sinh môi trường và bố trí khoa phòng cũng cần được chú trọng để đảm bảo không gian điều trị sạch sẽ, thông thoáng, nâng cao hiệu quả chăm sóc và phòng dịch.
Người dân có thể lo ngại về việc cách ly COVID-19, nhưng đây chỉ là biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa lây lan trong bệnh viện, không phải cách ly diện rộng ngoài cộng đồng.
Báo Nhân dân cho hay, từ đầu năm đến nay, nước ta cũng ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong. Số địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh gồm TP HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bình Dương... Nước ta không ghi nhận các ổ dịch tập trung, nhưng có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần.
Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thủ đô ghi nhận 23 trường hợp mắc Covid-19 trong tuần qua, cao gấp rưỡi so với số ca tính từ đầu năm tới nay. Cộng dồn từ đầu năm 2025, thành phố phát hiện 37 ca, giảm so với cùng kỳ năm 2024 (637). Dù số người nhiễm bệnh tăng, ngành y tế chưa ghi nhận các ổ dịch, chưa có khuyến cáo về tình trạng này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, hiện nay Covid-19 là bệnh lưu hành, được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh không mất đi vì thế sẽ có lúc tăng lúc giảm số ca mắc, thậm chí có tính chất chu kỳ như cúm.
Do đó, chuyên gia này cho rằng, người dân không nên quá lo lắng về các ca Covid-19 hiện nay. Dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng với các ca bệnh rải rác, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong.
Biến thể đang lưu hành vẫn là chủng nhẹ của Omicron. Dù vậy, nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai… khi mắc bệnh vẫn có thể chuyển nặng, phải nhập viện.
Vì thế, những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay…", Phó Giáo sư Trần Đắc Phu nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM cũng cho hay, người dân không nên quá lo lắng trước việc số ca Covid-19 tăng trong thời gian gần đây.
Chia sẻ về tình hình gia tăng số ca mắc Covid-19 tại Thái Lan vừa qua, bác sĩ Khanh cho hay, thực tế ở Thái Lan, họ không thực hiện bất kỳ biện pháp cách ly hay phong tỏa nào. Chủng virus đang lưu hành tại đây vẫn là biến thể lành tính, không phải biến thể có độc lực cao.
Ông nhận định, quan trọng là phần lớn người dân hiện nay đã có miễn dịch nền nên nguy cơ chuyển nặng là rất thấp. Covid-19 bây giờ về cơ bản không khác gì cảm cúm thông thường.
Về vấn đề có áp dụng cách ly như trước đây hay không, Tiến sĩ Trương Hữu Khanh cho hay, Covid-19 đã được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, tương tự như cúm. “Ngành y tế đã chủ động theo dõi và ứng phó, người dân cũng đã có miễn dịch cộng đồng. Không ai phong tỏa hay cách ly như trước. Người dân cần tỉnh táo, không hoang mang trước những tin đồn hoặc suy diễn trên mạng xã hội”, bác sĩ Khanh nói.