Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bị càng cua đâm đứt tay, người đàn ông tử vong vì vi khuẩn trong hải sản sống

Một vết thương nhỏ do càng cua đâm khiến người đàn ông tử vong sau 9 ngày vì nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Vibrio vulnificus có trong hải sản và bùn biển.

Theo báo Wenzhou Evening News, sự việc đau lòng xảy ra tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Ông Weng, một người đàn ông trung niên, trong lúc xử lý cua tại nhà đã bị càng cua đâm vào tay trái. Ban đầu, vết thương chỉ nhỏ bằng hạt gạo và không gây khó chịu đáng kể.

Tuy nhiên, sau 23 giờ, cánh tay bắt đầu sưng đỏ, đau rát, tiết dịch mủ và có dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Gia đình vội đưa ông đến bệnh viện, nơi các bác sĩ xác định ông bị nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus – loại vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm thường trú trong hải sản tươi sống và bùn ven biển.

Chỉ trong vòng 1 giờ sau khi nhập viện, ông Weng có dấu hiệu hoại tử cân mạc – tình trạng mà các mô mềm bắt đầu chết dần, da chuyển màu đen, mủ chảy ra, và bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc nhiễm trùng.

cua-1751882235.jpg
Ảnh minh họa

Dù các bác sĩ đã nhanh chóng cắt bỏ tứ chi, cho thở máy và chạy thận nhân tạo nhằm giành lại sự sống, tình trạng của ông không cải thiện. Ông Weng đã tử vong vào ngày thứ 9 sau chấn thương.

Vibrio vulnificus là loại vi khuẩn nguy hiểm sống trong nước biển ấm và hải sản tươi sống như hàu, cá hố, trai… Vi khuẩn này có thể xâm nhập qua các vết thương hở, hoặc qua đường tiêu hóa nếu ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ.

Tỷ lệ tử vong do nhiễm vi khuẩn này rất cao – lên tới 50% trong vòng 48 giờ kể từ khi nhiễm nếu không điều trị kịp thời. Với người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường, xơ gan, suy thận…, nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng huyết, hoại tử, suy đa cơ quan càng tăng cao.

Bác sĩ mô tả diễn tiến bệnh “nhanh hơn cả bão”, và một khi bùng phát, nội tạng có thể bị phá hủy như “một vụ nổ trong cơ thể”.

Hàng loạt ca tử vong do bất cẩn khi tiếp xúc hải sản
Năm 2023, một phụ nữ 73 tuổi ở Hàng Châu tử vong do suy đa cơ quan sau một ngày ăn cá tươi, nguyên nhân là nhiễm Vibrio vulnificus.

Tháng 4/2024, một người đàn ông 62 tuổi ở Ma Cao cũng tử vong sau hai ngày nhập viện vì sốc nhiễm trùng do cùng loại vi khuẩn.

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn từ hải sản, đặc biệt là trong những ngày thời tiết nóng ẩm, các chuyên gia y tế khuyến cáo:

Đeo găng tay cao su khi làm sạch, chế biến hải sản, đặc biệt với những loài có vỏ cứng hoặc gai nhọn như cua, ghẹ, hàu.

Khi bị đâm chảy máu, không rửa bằng nước hay rắc muối. Hãy khử trùng ngay bằng dung dịch iốt hoặc cồn y tế.

Nếu xuất hiện các triệu chứng như sưng đỏ, nóng, đau, chảy mủ, sốt, chóng mặt… sau khi bị thương, cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Một vết thương nhỏ tưởng chừng vô hại khi xử lý hải sản có thể trở thành “cánh cửa” cho vi khuẩn ăn thịt người xâm nhập cơ thể và cướp đi mạng sống chỉ trong vài ngày. Do đó, tuyệt đối không nên chủ quan, và hãy luôn xử lý hải sản một cách an toàn, phòng tránh rủi ro từ những điều nhỏ nhặt nhất.
 

Xuân Vũ (T/H)