Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bộ Giao thông vận tải đề xuất các trường hợp xóa tên phương tiện thủy nội địa

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa và quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa, trong đó nêu rõ trường hợp xóa tên phương tiện. Cụ thể như sau:

Đối với các trường hợp xóa tên phương tiện thủy nội địa. Theo quy định tại Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT, xóa đăng ký phương tiện được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Phương tiện bị mất tích.

2. Phương tiện bị phá hủy.

3. Phương tiện không còn khả năng phục hồi.

4. Chuyển quyền sở hữu phương tiện.

5. Thay đổi cơ quan đăng ký phương tiện.

6. Theo đề nghị của chủ phương tiện.

screenshot-2024-07-11-131336-1720678610.png
Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư nhằm phù hợp với thực tiễn hoạt động vận tải đường thủy nội địa, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa quy định "xóa đăng ký phương tiện" thành "xóa tên phương tiện" và bổ sung trường hợp xóa tên phương tiện khi phương tiện được chuyển nhượng ra nước ngoài cho phù hợp Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Cụ thể, theo dự thảo, chủ phương tiện phải khai báo để xoá tên và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cho cơ quan đã đăng ký phương tiện trong các trường hợp sau đây:

1. Phương tiện bị mất tích.

2. Phương tiện bị phá huỷ.

3. Phương tiện không còn khả năng phục hồi.

4. Phương tiện được chuyển nhượng ra nước ngoài.

5. Theo đề nghị của chủ phương tiện.

Đối với trách nhiệm của chủ phương tiện thủy nội địa. Theo dự thảo, chủ phương tiện có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký phương tiện theo quy định, kẻ tên, số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn và số lượng người được phép chở trên phương tiện.

Khi thay đổi cơ quan đăng ký phương tiện, chủ phương tiện phải thực hiện quy định sau: Nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa đã được cấp cho cơ quan đã đăng ký phương tiện; tiếp nhận, bảo quản hồ sơ phương tiện đã niêm phong do cơ quan đăng ký phương tiện cũ giao để nộp cho cơ quan đăng ký phương tiện mới.

Dự thảo nêu rõ, trong thời hạn 30 ngày phải hoàn thành xong thủ tục kê khai để xóa tên phương tiện đối với những trường hợp quy định trên.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thay đổi tính năng kỹ thuật, chủ phương tiện phải thực hiện thủ tục đăng ký lại phương tiện.

Khi đến nhận giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa hoặc giấy chứng nhận xóa tên phương tiện thủy nội địa phải xuất trình giấy hẹn và một trong các loại giấy tờ sau: chứng minh nhân dân; căn cước công dân; thẻ căn cước; số định danh cá nhân, giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc quy định cụ thể về thời gian thực hiện đăng ký lại phương tiện và xóa tên phương tiện để thể hiện về trách nhiệm của chủ phương tiện với quy định của pháp luật, tránh kéo dài hoặc không thực hiện. Trong khi, việc xóa tên hoặc đăng ký lại cần phải có thời gian dài để chủ phương tiện có đủ thời gian để thực hiện.

Bên cạnh đó, chủ phương tiện còn thực hiện các quy định khác như nộp thuế... Mặt khác, điều này sẽ làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về đăng ký phương tiện thủy nội địa, tạo thuận lợi, chính xác trong tổng hợp, thống kê công tác đăng ký phương tiện, phục vụ chuyển đổi số quốc gia./.