Từ “niềm vui” tiêu tiền đến nỗi ám ảnh sống giữa núi hàng hóa
Theo truyền thông Trung Quốc, suốt từ năm ngoái, cư dân trong khu liên tục phản ánh về tình trạng căn hộ của bà Vương bốc mùi nồng nặc, ruồi gián xuất hiện khắp hành lang, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Những hình ảnh được phóng viên ghi lại cho thấy căn nhà của bà không còn nổi một khoảng trống để đặt chân. Hàng hóa xếp lên tới tận trần nhà, bà phải bò len qua những khe hẹp giữa các thùng hàng để di chuyển. Ngay cả chỗ ngủ cũng không có, bà thường tựa lưng vào đống đồ để nghỉ ngơi.
Hàng xóm sống gần đó chỉ biết than trời: “Mỗi sáng mở cửa ra là mùi hôi thốc vào mặt, không thể diễn tả nổi”.

Trước sự phản ánh gay gắt của cư dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần liên hệ người thân bà Vương để tìm hướng xử lý bằng tình cảm gia đình, nhưng đều không thành. Cuối cùng, sau nhiều lần thuyết phục, bà đồng ý để nhân viên cộng đồng hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa.
Căn hộ sau đó được “giải cứu”, môi trường xung quanh cũng được cải thiện phần nào. Nhưng chỉ một năm sau, phóng viên quay lại đã phải thở dài, mọi thứ lại y nguyên như cũ, thậm chí bà Vương còn thuê thêm một căn hộ 90m² khác làm kho chứa đồ.
Tổng số tiền bà đã chi cho việc mua sắm online được tiết lộ lên tới gần 2 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 7 tỷ đồng). Không chỉ là các mặt hàng thiết yếu, bà còn mua cả đồ trang sức, thực phẩm chức năng, đồ sưu tầm... nhiều món đến từ các buổi livestream bán hàng.
Trong một lần chia sẻ hiếm hoi, bà Vương thừa nhận, việc tiêu tiền ào ạt không chỉ vì cảm giác “sảng khoái”, mà còn để... phòng thân. Sau khi bán nhà ở trung tâm Thượng Hải và chuyển về sống tại Gia Định, bà nói có nhiều người biết bà có tiền và tìm cách tiếp cận để vay mượn. “Tôi tiêu hết cho họ khỏi mở miệng hỏi”, bà nói thẳng.
Ở tuổi U70, bà không còn liên lạc với họ hàng, con gái cũng sống ở nước ngoài và không can thiệp gì. Mỗi ngày, niềm vui duy nhất của bà là nhận hàng giao đến, xé bao bì, sắp xếp thêm vào những ngóc ngách còn sót lại trong căn nhà đã ngập đồ.

Khi mua sắm trở thành rối loạn: Đằng sau những gói hàng là nỗi cô đơn
Theo các chuyên gia từ Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, hành vi tích trữ hàng hóa không đơn thuần là “nghiện mua sắm”. Đó có thể là biểu hiện của rối loạn tích trữ, một dạng bệnh lý tâm thần khi người ta không thể vứt bỏ bất cứ thứ gì, luôn nghĩ mọi thứ đều “sẽ hữu ích lúc nào đó”.
Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi, đặc biệt là khi họ sống một mình, bị cô lập xã hội hoặc có tiền sử trầm cảm. Ước tính, tỷ lệ người cao tuổi mắc chứng rối loạn tích trữ ở Trung Quốc có thể lên tới 6%.
Bác sĩ tại trung tâm cho biết, có trường hợp bệnh nhân cao tuổi tích trữ đến mức không thể mở cửa nhà, phải nhờ chính quyền can thiệp. “Nếu cưỡng ép dọn dẹp mà không đi kèm hỗ trợ tâm lý, bệnh nhân có thể rơi vào khủng hoảng cảm xúc, sau đó lại tích trữ nặng hơn”, vị bác sĩ chia sẻ.
Đại diện Ủy ban Tâm lý học tích cực Thượng Hải cũng nhận định, đa số người mắc rối loạn tích trữ đều có bệnh lý đi kèm như trầm cảm, lo âu xã hội hoặc thậm chí là dấu hiệu sa sút trí tuệ.
Câu chuyện của bà Vương là lời cảnh báo buồn về một thực trạng đang âm thầm diễn ra: người già sống cô độc, bị bỏ quên giữa thành phố đông đúc. Khi không còn ai trò chuyện, khi những cuộc gọi từ người thân dần thưa thớt, việc mua hàng có thể trở thành cách duy nhất để cảm thấy mình còn tồn tại.
Mỗi lần đơn hàng được xác nhận, mỗi tiếng gõ cửa của shipper, với bà, có thể là một cuộc gặp gỡ hiếm hoi giữa thế giới ngoài kia và cuộc sống đơn độc trong bốn bức tường.