Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cảnh báo loại ký sinh trùng 'ăn thịt' cực nguy hiểm có dấu hiệu quay trở lại và lan rộng: Những điều cần biết

Các nhà nghiên cứu cảnh báo vì sự xuất hiện trở lại của một loài ký sinh trùng ăn thịt - sinh vật được cho là biến mất từ nhiều thập niên trước đây tại Mỹ. 

Cochliomyia hominivorax là một loại ruồi hình dáng giống giun có xoắn vặn như đinh vít nên còn được gọi là giòi vít hay giun có đinh vít (screw-worm). Đây là một loài ruồi ký sinh, trong đó các ấu trùng của nó (maggots) ăn mô sống của động vật máu nóng.

Ký sinh trùng này có thể gây ra bệnh giòi đục da (New World screwworm myiasis) - một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong và hiện không có phương pháp điều trị cụ thể cho người.

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia châu Mỹ đã chi hàng tỷ đô la để kiểm soát loại ký sinh trùng này, vốn có nguồn gốc từ Nam Mỹ và vùng Caribe. Tuy nhiên, kể từ năm 2023, số ca nhiễm đã gia tăng và lan dần về phía bắc.

Vấn nạn gia tăng trở lại

Từ những năm 1930 đến 1950, ký sinh trùng này là cơn ác mộng của các nông dân chăn nuôi tại miền Nam nước Mỹ, gây thiệt hại lên đến 100 triệu USD mỗi năm, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Nhờ vào nỗ lực triệt sản ruồi giòi vít, loại ký sinh này gần như bị loại trừ khỏi Mỹ vào giữa những năm 1960. Một khu vực rào chắn giòi vít được thiết lập dọc biên giới Mỹ - Mexico.

Đến năm 1986, Mexico cũng thành công loại trừ giòi vít, nhưng chúng vẫn tiếp tục tồn tại ở Nam Mỹ và Caribe. Tuy nhiên, một ca nhiễm mới được phát hiện tại Mexico vào ngày 22/11/2024 khiến USDA lo ngại dịch có thể quay trở lại.

"Từ năm 2006, Mỹ và Panama duy trì một vùng rào chắn ở phía đông Panama nhằm ngăn giòi vít lan từ Nam Mỹ sang Trung và Bắc Mỹ. Nhưng từ năm 2023, số ca nhiễm tăng mạnh và lan từ Panama đến Costa Rica, Nicaragua, Honduras, Guatemala và nay đã đến Mexico."

Tại Panama, số ca nhiễm tăng vọt từ mức trung bình 25 ca/năm trước năm 2023 lên 22.611 ca tính đến ngày 4/12, theo Ủy ban Panama và Mỹ về diệt trừ giòi vít (COPEG). Costa Rica cũng ghi nhận sự gia tăng ca nhiễm trên người, với một ca tử vong trong năm nay, theo Đại sứ quán Mỹ tại Costa Rica.

ky-sinh-trung-an-thit-1-1734079105.jpg
Cảnh báo loại ký sinh trùng 'ăn thịt' cực nguy hiểm có dấu hiệu quay trở lại và lan rộng

Các ấu trùng cái đẻ trứng trong các vết thương hở hoặc lỗ tự nhiên của động vật máu nóng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi lần ruồi có thể đẻ tới 300 trứng, và trong suốt vòng đời 10-30 ngày, chúng có thể đẻ hàng ngàn trứng.

Ngay cả vết thương nhỏ như vết cắn của bọ ve cũng có thể thu hút ruồi đẻ trứng. Trứng sau đó nở thành ấu trùng giòi vít, chúng đục sâu vào vết thương và ăn phần thịt xung quanh bằng miệng sắc nhọn, khiến ký chủ bị ăn mòn từ bên trong. Điều này làm cho vết thương ngày càng sâu và lan rộng.

Nhiễm giòi vít rất đau đớn và dễ gây nhiễm trùng thứ phát. Theo WHO, tỷ lệ tử vong ở người nhiễm giòi vít là khoảng 3%.

Phòng ngừa và kiểm soát

Những người sống ở vùng nông thôn và thường xuyên làm việc với gia súc là đối tượng dễ bị nhiễm giòi vít nhất. Bất kỳ ai có vết thương hở hoặc mới phẫu thuật cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Hiện không có phương pháp điều trị nào ngoài việc phải loại bỏ ấu trùng khỏi mô bị nhiễm. CDC khuyến cáo nên ngăn ngừa bằng cách:

Giữ vết thương sạch sẽ và băng kín, đặc biệt khi tiếp xúc với gia súc hoặc động vật hoang dã.
Sử dụng thuốc chống côn trùng được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) chứng nhận.
Để ngăn ngừa ký sinh này lan sang Mỹ, USDA đã hạn chế nhập khẩu gia súc và ngựa từ Mexico cho đến khi có thêm thông tin từ cơ quan thú y Mexico. Chủ nuôi thú cưng cũng được khuyến cáo kiểm tra các vết thương chảy dịch hoặc ngày càng lớn, cũng như dấu hiệu trứng hoặc ấu trùng giòi vít quanh vết thương.

Minh Khuê (theo Livescience)