Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Câu chuyện kinh doanh tại bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam

Hơn một thập kỷ về tay "đại gia" Singapore, Y khoa Hoàn Mỹ vẫn được nhắc đến như một bài học về mối lương duyên giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp…

Sự “đổ vỡ” của Hoàn Mỹ và VinaCapital

Tại Báo cáo Các xu hướng M&A toàn cầu năm 2023, PwC dự báo y tế và sức khỏe là một trong các lĩnh vực sẽ chứng kiến mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sôi động bên cạnh công nghệ, truyền thông & viễn thông, sản xuất công nghiệp, ô tô, năng lượng và tiêu dùng. 

Đơn vị kiểm toán này đánh giá, thị trường M&A sẽ có khả năng tăng trưởng nửa sau của 2023 khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp cân bằng được rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn.

Trong bối cảnh ngành y dược Việt Nam liên tục “tăng nhiệt” với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn với những thương vụ triệu đô, người ta vẫn nhớ đến phi vụ M&A với cái kết không mấy viên mãn tại chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ.

Hồ sơ doanh nghiệp - Câu chuyện kinh doanh tại bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam

Năm 2002, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã được thành lập ở miền Trung Việt Nam.

Nhắc đến Bệnh viện Hoàn Mỹ, không thể không nhắc đến bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng. Vào năm 1997, bác sĩ Tùng đã mở phòng khám Hoàn Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặt nền móng đầu tiên cho hệ thống y tế Hoàn Mỹ. Sau đó 2 năm, Công ty Cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ - chủ sở hữu Bệnh viện Hoàn Mỹ được thành lập, là bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. 

Đang trên đà phát triển, Hoàn Mỹ liên tục mở rộng quy mô với nhiều bệnh viện trải dài từ miền Trung đến miền Nam. Nhưng sau 10 năm phát triển nóng mà không quan tâm đến vấn đề dòng tiền, Hoàn Mỹ đối mặt với số nợ lớn đến mức trên bờ vực phá sản. 

Trong bối cảnh đó, năm 2009, Bệnh viện Hoàn Mỹ cũng từng bắt tay với VinaCapital). Tuy nhiên, kết hợp với Deustche Bank để rót 20 triệu USD, thâu tóm 44% Hoàn Mỹ, VinaCapital đã đưa ra những yêu cầu về IPO và tăng trưởng lợi nhuận cũng như mức chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu, mức hoàn vốn, lãi phạt phải chịu nếu Hoàn Mỹ không đạt tăng trưởng như yêu cầu.

Cũng từ đây, ông Nguyễn Hữu Tùng buộc phải chấp thuận” luật chơi mới” với những áp lực từ các nhà đầu tư. Kết quả, trước những áp lực về chuyển đổi quản trị lẫn tăng trưởng lợi nhuận, ban lãnh đạo Bệnh viện Hoàn Mỹ đã không đáp ứng được yêu cầu.

Hồ sơ doanh nghiệp - Câu chuyện kinh doanh tại bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam (Hình 2).

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - người đặt nền móng đầu tiên cho hệ thống y tế Hoàn Mỹ.

Và sau thời gian gần 2 năm hợp tác không mấy suôn sẻ với quỹ ngoại, ông Tùng đã buộc phải đưa ra quyết định tìm một đối tác khác thay thế cho VinaCapital và Deutsche Bank, đó là Tập đoàn y tế Fortis (Ấn Độ).

Sau khi bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng bán lại Hoàn Mỹ cho Fortis, tập đoàn này lại bán cổ phần cho Richard Chandler Corp (Tập đoàn Clermont), một tập đoàn đa ngành có trụ sở tại Singapore, đầu tư vào Hoàn Mỹ 100 triệu USD vào 2012, tăng lên 120 triệu USD chỉ sau một năm.

Chấp nhận rời bỏ bệnh viện mà mình “khai sinh", chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Hữu Tùng bộc bạch rằng: “Sau khi ký hợp đồng với Fortis, tôi có cảm giác như mình vừa gả đứa con của mình vào một nhà khác. Tôi không còn được chăm sóc, nuôi nấng nó nữa, mà chỉ có thể làm một nhà tư vấn, giống như một “thái thượng hoàng” mà thôi”.

Kinh doanh rộng mở sau khi về tay "đại gia" Singapore

Từ khi về tay tập đoàn đến từ Singapore đến nay, hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ liên tục mở rộng. Theo thông tin trên website Hoàn Mỹ, mạng lưới chăm sóc sức khỏe của Hoàn Mỹ bao gồm hơn 2.900 giường bệnh hoạt động trên khắp 13 bệnh viện và 3 phòng khám với hơn 5.000 nhân viên.

Về tình hình kinh doanh của công ty, mới đây, theo thông tin công bố trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2023, Hoàn Mỹ báo lãi 633 tỷ đồng. Nếu không tính tình hình kinh doanh năm 2022 của Hoàn Mỹ với số liệu chênh lệch giữa các báo cáo lợi nhuận, Y khoa Hoàn Mỹ đã có những bước tăng vọt về mặt lợi nhuận từ năm 2021 đến năm 2023, gấp hơn 2,2 lần.

Hồ sơ doanh nghiệp - Câu chuyện kinh doanh tại bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam (Hình 3).

Theo thông tin công bố trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2023, Hoàn Mỹ báo lãi 633 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu công ty ghi nhận đạt gần 2.004 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty đạt 2,06, tương đương nợ phải trả của Hoàn Mỹ ở mức 4.128 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023.

Trên thị trường, theo dữ liệu từ HNX, Y Khoa Hoàn Mỹ đang lưu hành lô trái phiếu HMGH1825001 với khối khối lượng lưu hành là 1.400 tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 10/2025.

Trước đó vào  năm 2018, Y khoa Hoàn Mỹ huy động 2.330 tỷ đồng trái phiếu mã HMGH1823001 và HMGH1825001 với lãi suất cố định 6,64% cho kỳ hạn 5 năm và 6,74%/năm cho kỳ hạn 7 năm. Đợt huy động vốn của Y khoa Hoàn Mỹ được xem là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên thuộc lĩnh vực y tế.