Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Châu Âu đối mặt khó khăn kinh tế, lần này lỗi không phải tại năng lượng

Nhiều khả năng sản xuất công nghiệp ở châu Âu sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn trong những tháng tới, chuyên gia nhận định.

Hoạt động công nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục suy giảm vào tháng 7, trong khi những khó khăn kinh tế mà "cựu lục địa" phải đối mặt ít có dấu hiệu thuyên giảm, theo kết quả khảo sát kinh doanh được công bố hôm 1/8.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của Ngân hàng thương mại Hamburg (HCOB) – đo lường sức khỏe tổng thể của các nhà máy trên toàn khu vực Eurozone, giữ nguyên ở mức 45,8 điểm. Con số này cao hơn một chút so với mức 45,6 điểm được báo cáo trong ước tính nhanh công bố tuần trước, nhưng thấp hơn đáng kể so với mốc 50 điểm phân biệt giữa tăng trưởng và suy giảm.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và Eurozone, có PMI thấp nhất trong 3 tháng, trượt từ mức 43,5 điểm xuống 43,2 điểm trong giai đoạn tháng 6-tháng 7. Điều này diễn ra sau khi tăng trưởng GDP của quốc gia này yếu hơn dự kiến, -0,1% thay vì dự báo trước đó là +0,1%, do cơ quan thống kê Eurostat của EU công bố.

Tin tức này làm gia tăng nỗi lo rằng Đức có thể đang bên bờ vực của một cuộc suy thoái kỹ thuật (được xác định bằng ít nhất 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm) chỉ vài tháng sau khi thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế năm 2023, khi đầu tàu châu Âu ghi nhận thành tích tệ nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.

Ông Sander Tordoir, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Cải cách châu Âu (CER), cho biết tình trạng suy thoái công nghiệp của Đức không còn có thể được đổ lỗi cho sự tăng vọt giá năng lượng theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào tháng 2/2022, vì chi phí năng lượng hiện nay nhìn chung tương tự như mức trước đại dịch Covid-19.

"Tôi nghĩ sẽ mất thời gian để phân tích các yếu tố, nhưng cũng rất rõ ràng rằng không thể thực sự là lỗi của năng lượng nữa", ông Tordoir nói với cổng thông tin Euractiv hôm 1/8.

Châu Âu đối mặt khó khăn kinh tế, lần này lỗi không phải tại năng lượng- Ảnh 1.

Chi phí năng lượng ở châu Âu hiện nay nhìn chung tương tự như mức trước đại dịch Covid-19. Ảnh: The Guardian

Vị chuyên gia cho rằng những nguyên nhân có thể dẫn đến sự suy giảm công nghiệp của Đức bao gồm nhu cầu trong nước và bên ngoài chậm lại cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, quốc gia đang ngày càng ưu tiên xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tiên tiến.

"Thặng dư xuất khẩu sản xuất của Trung Quốc cao hơn nhiều so với trước đại dịch và chúng có xu hướng nằm ở các lĩnh vực thế mạnh của Đức, chủ yếu là ô tô. Vì vậy, theo tôi, đó hẳn là một yếu tố lớn", ông Tordoir cho biết.

Trong khi đó, Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 của khu vực Eurozone, đã ghi nhận mức giảm PMI thậm chí còn lớn hơn, từ 45,4 xuống 44. Đây là mức thấp nhất mà nước này ghi nhận trong 6 tháng và thấp hơn một chút so với ước tính sơ bộ của tuần trước là 44,1.

"Hoạt động công nghiệp ở khu vực Eurozone đã bị ảnh hưởng trên diện rộng vào tháng 7", ông Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng thương mại Hamburg (HCOB), cho biết trong một tuyên bố.

Vị chuyên gia cho biết thêm rằng dữ liệu khảo sát cho thấy chỉ có Hy Lạp và Tây Ban Nha ghi nhận "tăng trưởng thực chất" trong hoạt động nhà máy vào tháng trước – nhưng cảnh báo rằng "ngay cả ở các nước này, động lực cũng đã chậm lại đáng kể".

"Nhiều khả năng ngành sản xuất sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn trong những tháng tới", ông De la Rubia nhận định.

 

Minh Đức (Theo EurActiv)