Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chính sách mới tháng 2: Phạt nặng vi phạm bảo hiểm, từ chối nhận chất thải không phân loại

Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng; giá điện theo cơ chế thị trường; mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai tối đa 60 triệu đồng/ha,... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2025.

Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.

Theo đó, Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm.

Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.

Quy định liên quan tới đối tượng đăng ký thuế

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 86/2024 ngày 23/12/2024 quy định về đăng ký thuế. Trong đó, điều 4 Thông tư 86 quy định về đối tượng đăng ký thuế.

Cụ thể, đối tượng đăng ký thuế bao gồm: Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế. Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế.

Trong khi đó, người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, bao gồm: Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành (sau đây gọi là Tổ chức kinh tế).

Đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội, xã hội-nghề nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 6/2/2025.

Giá bán điện theo cơ chế thị trường

Một trong những nội dung đáng chú ý đó là quy định về giá bán điện mới có hiệu lực từ tháng 2/2025.

Cụ thể, Luật Điện lực được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11/2024, có hiệu lực từ ngày 14/2. Theo đó, giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh.

Được biết, tại dự thảo Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng hiện nay xuống còn 2 tháng, kể từ lần thay đổi gần nhất.

Mức điều chỉnh giá sẽ được nhà chức trách đưa ra khi chi phí sản xuất điện biến động 2% trở lên, thấp hơn so với quy định 3% đang áp dụng.

Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật

Chính phủ ban hành Nghị định số 9/2025/NĐ-CP ngày 10/1/2025 quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Nghị định này quy định về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.

Theo quy định, mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản) như sau: Nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh, thâm canh trong ao (đầm/hầm) được hỗ trợ 60 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.

Tiếp đó, nuôi trồng thuỷ sản trong bể, lồng, bè được hỗ trợ 30 triệu đồng/100m3 thể tích nuôi bị thiệt hại. Nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức khác hỗ trợ 15 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.

Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 25/2/2025.

Từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại

Ngày 19/12/2024, Bộ TN&MT ban hành Thông tư 35 có hiệu lực từ 3/2 về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Một trong những nội dung đáng chú ý là người thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc giao chất thải không đúng chủng loại theo lịch trình đã công bố.

Đối với quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định bao gồm: các quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; các quy trình kỹ thuật vận hành trạm phân loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; và các quy trình kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo VietnamFinance