Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chủ động ứng phó với động đất tại Kon Tum

Hơn 40 trận động đất xảy ra trong hai ngày ở huyện Kon Plông - Kon Tum, trong đó có trận mạnh 5 độ vào trưa 28/7, gây rung chấn cho toàn Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trước diễn biến bất thường của tai biến địa chất. 

Chỉ đạo “nóng” từ Chính phủ

Trong hai ngày 28 và 29/7, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) liên tục phát đi thông báo tin động đất, xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum). Cụ thể, ngày 29/7, khu vực huyện Kon Plông có 25 trận động đất (tính đến 18h). Phần lớn các trận động đất xảy ra trong ngày có độ lớn từ 2,5 đến dưới 3 độ Richter. Trận lớn nhất (2 trận) cường độ 3,7 độ Richter. Còn ngày 28/7 có 21 trận động đất, trong đó trận lớn nhất có cường độ 5 độ Richter xảy ra lúc 11h35. Đây cũng là trận động đất lớn nhất ở Kon Tum từ trước đến nay.

dong-dat-1722408319.jpg
Thông thường khu vực nào xảy ra trận động đất mạnh sẽ có các trận động đất nhỏ kèm theo sau đó. Ảnh minh họa.

Ngay sau các rung chấn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện của Thủ tướng về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất trong hai ngày 28 – 29/7. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum, các địa phương trong khu vực thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà...

Về phía địa phương, tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đối với nhà ở của nhân dân, trường học, y tế... sẵn sàng nhân lực, vật tư phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống.

Tiếp đó, theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tình hình động đất, cách nhận biết và ứng phó với động đất để người dân chủ động ứng phó, tránh tâm lý hoang mang, giảm thiểu thiệt hại...

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất

Baotintuc.vn đưa tin, động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4.7 độ. 

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, động đất xảy ra tại khu vực trên là động đất kích thích, có thể xuất hiện dày trong một thời gian, sau đó lại lắng xuống.  

Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, có độ lớn dưới 5.5 độ Richter. Chính vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu và quan trắc đồng thời thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn.

Theo báo dangcongsan.vn, trong 20 năm trở lại đây, nhiều trận động đất xảy ra trên các đới đứt gãy ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh Cao Bằng, Nghệ an, Thanh Hóa... có trận lớn nhất là 5.4 độ. Đáng chú ý, có nhiều trận động đất kích thích xảy ra ở Bắc Trà My (Quảng Nam), Kon Plông ( Kon Tum), Sơn La, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế với độ lớn không quá 5 độ...

Nhandan.vn đã thống kê, trong tháng 8/2023, cả nước xảy ra 35 trận động đất, tập trung chủ yếu ở huyện Kon Plông (Kon Tum). Các chuyên gia nhận định, các trận động đất trên là động đất nhỏ, dù không gây rủi ro thiên tai, song cũng không thể chủ quan.

Viện Vật lý địa cầu duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài, trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam với 40 đài, trạm địa chấn quan trắc động đất, 4 đài trạm địa từ, 7 trạm định vị sét và vật lý khí quyển, 1 trạm quan trắc biến dạng vỏ Trái Đất, 1 đài điện ly.

Ngoài mạng trạm quốc gia, ở những khu vực trọng yếu có các công trình quan trọng, Viện Vật lý địa cầu cũng duy trì các mạng trạm quan trắc thuộc các đề tài, dự án khác, cụ thể là 28 trạm quan sát động đất phục vụ quan trắc đánh giá an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà; 10 trạm khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam; 10 trạm quan sát động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế; 8 trạm vật lý khí quyển khu vực Hà Nội.

kon-plong-01-1722408587.jpg
Huyện Kon Plông. Ảnh minh họa

Tại Kon Tum, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 11 trạm theo dõi động đất và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất.

Lãnh đạo Viện Vật Lý địa cầu cũng khuyến cáo các địa phương tại khu vực Kon Tum, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà dân, trụ sở làm việc, trường học.

Đặc biệt là kiểm tra các công trình thủy điện, thủy lợi để kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Đồng thời, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống; tiếp tục tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân.

Cần làm gì khi xảy ra động đất? 

Hiểu biết về động đất và những biện pháp phòng tránh là cơ sở đầu tiên giúp giảm thiểu những thiệt hại khi động đất xảy ra.

Theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, người dân có thể ‘bỏ túi’ 8 biện pháp cơ bản khi có động đất để bảo vệ chính mình và người xung quanh.

1.Nếu bạn ở các khu vực thường xuyên có cảnh báo động đất cần chủ động chuẩn bị sẵn các vật dụng khẩn cấp gồm đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng và để khu vực dễ thấy, dễ lấy đề phòng khi có động đất xảy ra.

2. Giữ bình tĩnh và bảo vệ chính mình: Khi nhận được tin cảnh báo sớm của cơ quan chức năng thì chủ động mở cửa ra, vào và cửa sổ để đảm bảo lối thoát hiểm. Nếu xuất hiện dư trấn thì nhanh chóng thoát nạn ra ngoài; Nếu ở trong nhà mà không kịp thoát ra ngoài thì hãy ẩn dưới gầm bàn, tủ, giường, khu vực kiên cố gần nhất để tránh đồ đạc và đồ vật từ trên cao rơi xuống; Nếu bạn đang ở khu vực bếp, hãy nhanh chóng tắt bếp, khóa van gas và thoát khỏi khu vực bếp.

3. Kiểm tra sự an toàn của người thân và hàng xóm xung quanh bằng cách gọi tên hoặc nếu có thể di chuyển được trong khu vực an toàn thì tìm kiếm xung quanh.

4. Thường xuyên kiểm tra thông tin trên đài phát thanh hoặc các phương tiện khác có thể cập nhật được thông tin.

5. Hướng dẫn mọi người tránh xa khỏi khu vực có nhiều nhà cao tầng hoặc các công trình cao tầng do dư chấn có thể tiếp tục xảy ra khiến các khu vực đó có nguy cơ sập, đổ. Lưu ý không sử dụng ô tô (trừ một số khu vực như miền núi).

6. Nếu có cháy, nổ, tai nạn sự cố xảy ra hãy hô hoán mọi người cùng nhau dập lửa và cứu người, đồng thời gọi điện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số điện thoại 114 để kịp thời xử lý tình huống.

7. Dự trữ nhu yếu phẩm hàng ngày: Thông thường sẽ không có sự hỗ trợ từ bên ngoài trong những ngày đầu sau khi thảm họa xảy ra. Do đó, hãy chủ động tích trữ nhu yếu phẩm chủ động phục vụ giúp đỡ gia đình mình và những người xung quanh để khắc phục khó khăn trước mắt; Thu thập thông tin thiên tai và thông tin thiệt hại chủ động báo cho chính quyền địa phương.

8. Chấp hành hướng dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương: Tuân thủ các quy tắc trong sinh hoạt cộng đồng tại khu vực di tản, tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; Luôn luôn đề phòng việc ăn, uống hay sinh hoạt chung, để ý đến người già và trẻ nhỏ tránh trường hợp dịch bệnh xảy ra; Tiếp tục cảnh giác với dư chấn.