Tâm sự tại chương trình "Đời Rất Đẹp" trên VTV9 Đài Truyền hình Việt Nam mới đây, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn cho biết mình đã bén duyên với những bệnh nhi ung thư từ sau khi theo dõi hành trình của Lê Thanh Thuý - một cô bé bị ung thư xương và nghị lực phi thường. Khi nhận lời mời phụ trách lớp học chữ ở Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh từ nhà báo Tố Oanh vào năm 2009, cô Kim Phấn thậm chí không nghĩ hoạt động này sẽ kéo dài bởi đối tượng học là những em nhỏ chẳng biết mình còn bao nhiêu lần "thức dậy".
Vậy mà, đã 15 năm kể từ ngày đó. Đã ngần ấy thời gian gắn bó nhưng cô Phấn chưa hề có ý định bỏ lớp dù nhiều lúc tưởng chừng đã “khóc cạn nước mắt”, “ruột gan quặn đau” khi trải qua bao cuộc chia ly với các em học sinh mắc bạo bệnh…
Năm 2020, trong chương trình "Khoảnh Khắc Cuộc Đời", cô Kim Phấn nghẹn ngào chia sẻ về khoảng thời gian đầu nhận lớp, khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ phía gia đình của các bé và cả cơ sở vật chất tại bệnh viện. Một số phụ huynh đã bày tỏ thắc mắc con họ không còn hi vọng được bao lâu thì học để làm gì.
Sau một thời gian, bên cạnh làm tốt vai trò là người thuyết phục tham gia lớp học, cô Kim Phấn và những người giáo viên khác đã trở thành điểm tựa tinh thần cho các bệnh nhi và gia đình của các em. Còn tại bệnh viện, thời gian đầu cô Kim Phấn phải dạy học ba buổi/tuần ngay tại phòng chăm sóc bệnh. Các em học sinh ngồi trên giường hoặc ngồi trên nền nhà, học mệt thì nằm xuống nghỉ ngơi, có em đang học thì phải "chia tay" cô và các bạn tại chỗ.
Với cô Phấn, khi ngồi trong phòng sinh hoạt chung ở bệnh viện, cảm giác đầu tiên là một cảm giác xót xa. Có những em chỉ kịp tham dự buổi khai giảng, rồi ra về mãi mãi... Cô không bao giờ lường trước được ngày chia ly những người học trò "đặc biệt" này của mình.
Cô nhận ra rằng, dù có bao nhiêu thời gian để ở bên cạnh các em cũng không quan trọng bằng việc trân quý từng khoảnh khắc còn dạy - còn học cùng nhau. Thay cho những lo lắng về tương lai vô định thì bây giờ, niềm vui mỗi ngày lên lớp của cô là nghe thấy tiếng các em xôn xao "cô Phấn đến rồi" khi chỉ vừa bước chân đến cầu thang.
Trong suốt 15 năm dạy học, bao nhiêu bé đến lớp học, người giáo này đều giữ vở lại, có tới khoảng 1.500 quyển, tức có chừng ấy bé đến học, các bé đến lại rồi đi...
Có những bé mất, cô đã gửi về cho gia đình em ấy, nhưng có trường hợp không liên lạc được với gia đình thì cô sẽ giữ lại.
Trên tờ Đẹp Megazine, cô Phấn cho biết khi các bé mất thì sẽ dùng chính những quyển vở các bé đã từng viết, trang trí lại bìa vở. Dò theo ngày tháng các buổi học được ghi trong vở, sau đó cô sẽ lấy hình chụp các bé trong điện thoại, làm thành một album ảnh khoảng 8 trang thật đẹp. Đó là cách mà cô giữ các bé bên cạnh mình.
Với vấn đề tài chính duy trì lớp, cô Phấn bộc bạch rằng đó chưa bao giờ là nỗi lo, bởi có những thứ có tiền mà muốn cũng không được. Có bỏ tiền ra cũng chưa chắc đã có được một lớp học như vậy. Bởi chưa chắc đã có được các cô giáo, các tình nguyện viên nhiệt tình vì lớp. Tiền không phải là yếu tố giúp duy trì lớp, bởi nơi đây hỗ trợ bệnh nhi về mặt tinh thần, còn vật chất đã có các chương trình khác.
Có các mạnh thường quân đến tặng quà cho các bé, quà dư lại ngỏ ý tặng tình nguyện viên, mọi người đều trả lời khẳng khái: không lấy!
"Khi duy trì lớp này, tôi nghĩ điều cần nhất là những trái tim tình nguyện. Mỗi người chúng tôi đều phải hết lòng hết sức, cảm thông, và yêu thương các bé thật sự mới có thể ở đây lâu dài. Không vụ lợi, không vì một lý do nào khác, có vậy thì mới đồng hành với lớp lâu dài được." - Cô chia sẻ.