
Tô Thị Ty Na (44 tuổi, ngụ thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) bị cơ quan công an bắt khẩn cấp vì sát hại chính con ruột – bé N.V.H (SN 2017) – để trục lợi bảo hiểm . Vào tháng 1/2023, cái chết của bé trai 6 tuổi từng được dàn dựng tinh vi thành một vụ tai nạn ngạt nước trong nhà vệ sinh, khiến công an huyện không thể kết luận. Thế nhưng, sự thật dần hé lộ khi Công an tỉnh Quảng Nam quyết định rà soát lại hồ sơ, lật tẩy tội ác tày trời của người mẹ mất nhân tính.
Dư luận càng sốc hơn khi biết đây không phải lần đầu một đứa con của Na "bất đắc kỳ tử". Năm 2021, cậu con trai út (SN 2019) cũng Na cũng qua đời với lý do "rơi vào thùng nước" đầy nghi vấn. Lẽ nào, những bi kịch liên tiếp chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên? Đại tá Nguyễn Hà Lai, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam, khẳng định cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra để làm rõ mọi góc khuất, hoài nghi liên quan tới vụ án.
Trả lời trên báo Tiền phong online,Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, nhìn nhận: “Vụ án không chỉ là hồi chuông về pháp luật mà còn là vết rách đau đớn trong đạo đức xã hội. Ngôi nhà – nơi thiêng liêng nhất của tuổi thơ con trẻ– giờ đây lại là hiện trường của tội ác ghê rợn và đau đớn thay kẻ tước đoạt mạng sống ấy chính là người mẹ”.

Ông Hiếu cho rằng, nếu như tội ác thông thường khiến con người kinh sợ vì mức độ bạo lực, thì vụ án này lại khiến người ta lạnh người vì sự máu lạnh, bình thản trong cách nó được sắp đặt. Không có sự manh động, không một dấu hiệu bộc phát. Chỉ là những thao tác có vẻ hợp lý như mua bảo hiểm, chờ đáo hạn, “ra tay”, rồi điền vào mẫu đơn yêu cầu chi trả... "Mọi thứ được vận hành như một kế hoạch tài chính và thứ bị tính toán ở đây không phải là lãi suất, mà là sinh mệnh của một đứa trẻ vô tội" - Tiến sĩ Hiếu bày tỏ sự chua xót.
Ở góc nhìn tội phạm học, theo ông Hiếu, đây không chỉ là một vụ án giết người mà là một bi kịch đạo lý. Người mẹ trong vụ việc đã không còn là chủ thể của yêu thương, mà trở thành kẻ lạnh lùng lên phương án sát hại chính con đẻ mình.
“Thứ khiến ta rùng mình không phải là hung khí, mà là cái cách tội ác được che giấu bằng nụ cười, bằng tiếng ru, bằng danh xưng “mẹ”. Khi bản năng bảo vệ con của một người mẹ bị thay thế bởi tính toán vật chất, đó là dấu hiệu cho thấy ranh giới giữa người và thú đã bị xóa nhòa” – Tiến sĩ Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Điều khiến vị chuyên gia tội phạm học trăn trở hơn cả chính là sự “hợp pháp hóa” của tội ác này bằng những công cụ rất đời thường là những bản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đáng lẽ ra đây phải là tấm chắn yêu thương, thì trong một số vụ việc gần đây, bảo hiểm lại trở thành động cơ, thậm chí là công cụ cho hành vi sát nhân.
"Phía sau hành vi phạm tội là một vùng tối tâm lý đáng để xã hội nhìn lại. Trong đời sống hiện đại, khi đồng tiền chi phối mọi mối quan hệ, khi giá trị con người bị đo bằng số dư tài khoản, thì không ít "tâm hồn yếu ớt" có thể coi cái chết của người thân như một “cơ hội tài chính cuối cùng”. Đặc biệt là với những phụ nữ đơn thân, sống trong bế tắc, thiếu kết nối xã hội thì họ có thể trượt dốc rất nhanh trong sự lặng lẽ, cho đến khi bi kịch nổ ra..." - ông Hiếu nhận định.
Theo ông Hiếu, pháp luật chắc chắn sẽ đưa "người mẹ" này ra xét xử nghiêm minh, và với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của tội giết người có động cơ đê hèn, hình phạt cao nhất hoàn toàn có thể được áp dụng. Nhưng bản án của tòa án không thể kết thúc được một bi kịch đạo đức. Bởi điều cần thiết hơn là xã hội phải tự hỏi “chúng ta đã làm gì để những đứa trẻ thay vì được yêu thương lại bị định giá bằng hợp đồng bảo hiểm?”
sau khi bà Tô Thị Ty Na (sinh năm 1981, trú tại khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị bắt, tài khoản Facebook G.N đã chia sẻ câu chuyện bất ngờ về việc chị từng thuê bà Ty Na làm bảo mẫu chăm sóc cho con gái mới 2 tháng tuổi, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Chị N. đăng tải trên trang cá nhân những bức ảnh liên quan đến quá trình tiếp nhận bà Ty Na đến làm việc tại nhà, cùng các giấy tờ tùy thân mà bà này đã gửi khi xin việc, chứng minh rằng câu chuyện mà chị chia sẻ hoàn toàn có thật.
Cụ thể, chị G.N đã thuê bà Tô Thị Ty Na vào tháng 2/2025, thông qua một trung tâm giới thiệu. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, chị phải tìm người khác vì những biểu hiện kỳ lạ khiến chị cảm thấy lo lắng.

Trong bài viết, chị G.N chia sẻ:
“Hai hôm đầu chị ấy đến, rất nhiệt tình làm việc, mẹ tôi thích, cô quản gia cũng khen và chồng tôi thì rất hài lòng về chị. Nhưng cứ mỗi đêm, khi bé khóc, thay vì chị ấy tự dậy pha sữa cho bé, thì chị lại gọi tôi dậy để làm việc đó.”
“Sau đó, ba ngày tiếp theo, bé Sa bị viêm phổi phải nhập viện. Nhà tôi không có ai, chỉ có tôi và bà Ty Na. Mỗi đêm tôi đều lo sợ có chuyện gì xảy ra, chồng tôi thì bảo tôi quá lo lắng. Hai chị em ở nhà, nhưng tôi vẫn phải dọn cơm lên bàn, mời chị ấy xuống ăn, và sau khi ăn xong, chị ấy lại vứt bát cho tôi rửa. Mọi người bảo tôi nên nhịn để chị ấy làm, nhưng nhà tôi lúc đó không thể thay người được, vì bé Ấm cũng đang bị viêm phế quản.”
“Ba ngày cuối, bé Ấm cũng phải vào viện để chữa viêm phế quản. Tôi quyết định sẽ cố gắng đến khi bé xuất viện, rồi tìm người mới. Tuy nhiên, chị lại xin ứng tiền với lý do cần làm giỗ cho con. Chị khóc lóc, xin ứng 5 triệu để lo đám giỗ. Tôi không đồng ý thì chị dỗi và nói sẽ không làm nữa.”
“Mỗi lần trò chuyện với chị, tôi đều thấy chị khóc vì chuyện gia đình, về người em trai quỵt nợ và những đứa con trai gặp nhiều bất hạnh. Chị khóc rất thương tâm, đến khi tôi cho chị nghỉ việc, tôi thấy tội nghiệp quá, nên đã gửi thêm chị 1 triệu đồng để lo giỗ cho con. Sau đó, chị nhắn tin xin làm lại.”
Bài viết của chị N. cũng được kèm theo những bức ảnh về quá trình tiếp nhận bà Ty Na vào làm việc, cùng các giấy tờ tùy thân bà gửi khi xin việc, để chứng minh rằng câu chuyện này là hoàn toàn có thật.
Bài viết sau khi đăng tải đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, đã có hàng ngàn lượt người vào bình luận, chia sẻ.
Theo chị N., vì có linh cảm xấu với bà Ty Na nên gia đình đã cho nghỉ làm từ khi con chị đang còn nằm ở bệnh viện. Chị N. viết rằng "7 đêm ở với bà Na là 7 đêm chị cảm thấy bất an".
tối ngày 5/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (SN 1981; khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) về hành vi "Giết người".
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hợp, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh kiểm tra, rà soát các vụ việc liên quan.
Từ công tác kiểm tra rà soát, Cơ quan CSĐT đã tiến hành xác minh, giải quyết vụ việc chết người xảy ra ngày 2/1/2023 và làm rõ đối tượng giết người là Tô Thị Ty Na.
Kết quả điều tra xác định, khoảng 22h5' ngày 2/1/2023, tại nhà Tô Thị Ty Na, cháu Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 2017) là con ruột Na, tử vong ở nhà vệ sinh.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an đã xác định đối tượng Na đã có hành vi giết cháu Hoàng, mục đích nhằm trục lợi bảo hiểm.
Ngoài ra, tại quyết định khởi tố bị can đối với bà Na có nêu bà từng có tiền án, tiền sự: Ngày 27/11/2001 bị Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình tuyên phạt 40 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra.