Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Con gái 3 tuổi rụng gần hết tóc, mẹ đưa đến bệnh viện, bác sĩ nói “Hãy báo cảnh sát”

Nghe kết luận từ bác sĩ, bố mẹ đứa trẻ hoảng loạn.

Bất kỳ sự cố, hay tai nạn nào xảy ra với con trẻ là điều mà không bố mẹ nào mong muốn. Nhưng dù chăm sóc con kỹ đến mức nào, thì cũng sẽ khó tránh khỏi trong một số hoàn cảnh bố mẹ không thể kiểm soát được mọi thứ xung quanh con và để bé rơi vào tình huống nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng.

Cách đây không lâu, một trường hợp bé gái 3 tuổi bị rụng gần hết tóc và sự thật dần được hé lộ đằng sau đã khiến cho cõi mạng xứ Trung không khỏi bàng hoàng, chấn động. Theo báo cáo bệnh viện mà đứa trẻ đến chữa trị, gia đình cho biết dạo gần đây họ quan sát thấy mắt của cô con gái 3 tuổi trở nên đờ đẫn không rõ lý do, và cô bé cũng không thể đi lại bình thường, đặc biệt đầu tóc rụng từng mảng.

Lúc đầu, cha mẹ đứa trẻ còn nghĩ rằng con bị suy dinh dưỡng, thiếu chất nên cơ thể kiệt quệ. Thế nhưng khi theo dõi và thấy tình trạng con mỗi ngày một tệ hơn, gia đình đã nhanh chóng đưa đứa trẻ vào bệnh viện. 
Sau khi làm một số kiểm tra, bác sĩ bệnh viện địa phương nghi ngờ đứa trẻ bị ngộ độc nên đã chuyển bé đến Viện Phòng ngừa và Điều trị Bệnh nghề nghiệp tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), tại đây bé gái được chẩn đoán ngộ độc thallium cấp tính. May mắn là sau khoảng một tháng điều trị, đứa trẻ đã hồi phục và được xuất viện.
Để tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc, bệnh viện đề nghị gia đình gọi cảnh sát.

“Thông qua phản hồi của gia đình, cảnh sát xác định đây là vụ đầu độc có chủ đích”. Về thông tin chi tiết cụ thể hơn, bệnh viện không thể tiết lộ vì lý do riêng tư của bệnh nhân.

Theo Red Star News, một nhân viên y tế tại Khoa Độc chất thuộc Viện Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh nghề nghiệp tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã nói với các phóng viên rằng: "Có thể nguyên nhân là do hiềm khích giữa những người lớn". Các nhân viên y tế nói trên cho biết, người dân bình thường rất khó có thể tiếp xúc với thallium trong cuộc sống hàng ngày.

Theo tài khoản chính thức của Viện, tali là nguyên tố nhóm IIIA ở chu kỳ thứ 6 của bảng tuần hoàn. Hàm lượng của nó trong môi trường tự nhiên rất thấp, nhưng lại cực kỳ độc hại, với liều gây chết khoảng 10 đến 15 mg/kg. Có thể nói đây là một trong những nguyên tố độc hại nhất trong bảng tuần hoàn, và là chất độc thần kinh mạnh.

Nhiều quốc gia đã đưa tali và các hợp chất của nó vào danh sách các hóa chất cực độc, nằm ngoài tầm với của người dân thường. 48 giờ sau khi ngộ độc thallium được gọi là thời gian ủ bệnh, trong thời gian đó sẽ xuất hiện buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, táo bón và hiếm khi bị tiêu chảy, thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi uống phải chất độc. Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp và đau ngực cũng có thể xảy ra.

Giai đoạn tiến triển kéo dài từ 2 ngày đến 2 tuần, tứ chi đau như có "hàng ngàn cây kim" đâm vào, cơ bắp yếu, thường được coi là hội chứng Guillain-Barré. Rụng tóc đột ngột (hoại tử nang tóc) là một dấu hiệu điển hình. Có những thay đổi ban đỏ ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, và tình trạng tăng sắc tố với những thay đổi trên da giống như bệnh chàm.

Một số trường hợp có thể gây tổn thương thận cấp tính, độc tính với gan, thiếu máu,... Sau 2-3 tuần, bệnh chuyển sang giai đoạn muộn, với tình trạng teo dây thần kinh thị giác kèm theo giảm thị lực, rối loạn vận động, rối loạn lời nói, bất thường về trí tuệ, rối loạn trí nhớ, lo âu, trầm cảm,...

Theo bệnh viện, trẻ có thể tiếp xúc với chất cực độc này thông qua những con đường sau: vô tình ăn phải thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Ví dụ, vô tình ăn phải rau dại gần khu vực khai thác mỏ (như rau tề, cỏ xám, dương xỉ,... dễ tích tụ tali), nước giếng bị ô nhiễm, nước sông (nước thải công nghiệp có thể gây ô nhiễm tali),...

Bên cạnh đó, ngộ độc nhân tạo cũng là một hình thức tiếp xúc - vì nó không màu, không mùi nên có thể dễ dàng trộn vào thức ăn. “Ngộ độc thallium” không khó điều trị. Nếu phát hiện sớm và điều trị sớm, bệnh nhân ngộ độc thallium cấp tính có thể hồi phục hoàn toàn. Nguyên nhân tử vong thường liên quan chặt chẽ đến việc chẩn đoán chậm trễ, chẩn đoán sai và điều trị không đúng cách.

Kiều Trang