Việc Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group đã gây xôn xao dư luận. Thế nhưng, nhân “sự kiện” này, một số công ty sữa dù có giấy phép đàng hoàng vẫn bị “nói xấu” trên mạng xã hội.
Đó là Công ty CP Xuất nhập khẩu dinh dưỡng dược Loha (Công ty Loha), trụ sở tại quận Bình Tân (TP.HCM), đăng kí doanh nghiệp lần đầu ngày 28/08/2014 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Hiện công ty này sản xuất và bán ra thị trường loại sữa bột UC2 Platinum Grow Plus+, đã đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.

Ngày 16/08/2022, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (UBND TP.HCM) đã có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cùng bản công bố sản phẩm số 001/2022, kết quả thử nghiệm. Sản phẩm này đạt top 10 Thương hiệu mạnh Quốc gia vào ngày 12/01/2025.
Lợi dụng việc phát hiện gần 600 loại sữa giả, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin gán ghép sản phẩm sữa của Công ty Loha là…sữa giả, gây hoang mang cho người tiêu dùng.


Hiện Công ty Loha đã thu thập tất cả thông tin, hình ảnh từ các tài khoản trên mạng xã hội và đang tổng hợp tất cả chứng cứ liên quan đến sản phẩm mang tính cạnh tranh không lành mạnh từ các tài khoản làm ảnh hưởng đến uy tín công ty và cửa hàng phân phối. Với vi bằng lập được, đại diện công ty cho biết sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý và khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Cho dù các thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội vô tình hay cố tình nhưng mang tính chất cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và các đại lý đang bán sản phẩm đều được xem là hành vi vi phạm pháp luật, cần bị xử lý theo qui định nhà nước.
Đại diện Công ty Loha cho hay, Công ty Loha cũng như chuỗi cửa hàng phân phối Đăng Quang khuyến khích khách hàng cũng như các tài khoản trên mạng xã hội nên tìm hiểu kỹ và đăng các thông tin chuẩn xác. Nếu khách hàng có thắc mắc về sản phẩm hoặc kiến thức về dinh dưỡng sữa có thể liên hệ đến chuỗi cửa hàng hoặc công ty để được tư vấn giải đáp thắc mắc, tránh tình trạng nhầm lẫn, vô tình gây ra hành vi vi phạm pháp luật.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn khắp toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, doanh nghiệp trong nước đang cố gắng tự thân vận động, mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm tốt, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Thế nhưng, việc xuất hiện nhiều thông tin không đúng sự thật từ các trang mạng xã hội sẽ góp phần đẩy doanh nghiệp chân chính vào bờ vực phá sản.
Luật sư Trần Dũng (Đoàn Luật sư Tp.HCM) cho biết, việc đưa thông tin sai sự thật lên MXH nhằm xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 122 Bộ luật hình sự quy định “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về một tổ chức trên trang facebook của mình, trang mạng xã hội có tính chất kết nối, truyền thông tin rộng rãi trên khắp thế giới, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức. Người thực hiện hành vi này biết rõ những thông tin mà mình loan truyền là sai sự thật mà vẫn thực hiện thì lỗi được xác định là lỗi cố ý. Do vậy, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo Điều 122 BLHS.
Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của tổ chức. Tổ chức bị đưa tin sai sự thật có quyền yêu cầu người đưa thông tin chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật, yêu cầu xin lỗi, cải chính thông tin, bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Bên cạnh đó, hành vi đưa thông tin sai sự thật lên MXH, bôi nhọ doanh nghiệp còn có thể vi phạm Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Tổ chức, cá nhân bị đưa thông tin sai sự thật có thể trình báo với cơ quan Công an để tiến hành điều tra, xác minh sự việc và nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự. Tổ chức, cá nhân cũng có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người đăng thông tin sai sự thật chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật, bồi thường thiệt hại, cải chính thông tin.