Theo đó, CT6 ghi nhận doanh thu thuần 34,6 tỷ đồng, cao hơn gần 10 lần so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp. Giá vốn hàng bán ở mức 31,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về 2,8 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính gần như đi ngang; chi phí tài chính tăng gấp 3 lần lên 669,4 triệu đồng do lãi tiền vay tăng cao; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 5 lần lên 2,3 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 132,8 triệu đồng, cùng kỳ lãi 110,1 triệu đồng.
Ngoài ra, khoản lợi nhuận khác đem về cho công ty 324,1 triệu đồng (cùng kỳ không ghi nhận), trong đó 286,3 triệu đồng đến từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Trừ đi thuế, CT6 báo lãi ròng 191,3 triệu đồng, tăng trưởng 74% so với quý I/2023.
Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo CT6 cho rằng doanh thu tăng chủ yếu từ các công trình xây lắp, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính phát sinh nhiều hơn cùng kỳ nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty.
Bên cạnh đó, công tác thanh quyết toán thu hồi vốn từ các công trình, tiêu thụ sản phẩm cũng được chỉ đạo vào đôn đốc thường xuyên, kịp thời. Công ty đã rất tích cực, cố gắng trong việc tìm kiếm công ăn việc làm, điều hành quản lý, từng bước tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khai thác và sử dụng tài sản, cơ cấu lại nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Tính đến cuối tháng 03/2024, tổng tài sản của CT6 giảm nhẹ 5% về 174,4 tỷ đồng, tập trung phần lớn tại các khoản phải thu ngắn hạn 68,1 tỷ đồng (chiếm 39%) và hàng tồn kho 60,9 tỷ đồng (chiếm 35%).
Phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm gần 10 tỷ đồng, về mức 111,2 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu 63,2 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của CT6 là 1,76.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CT6 của doanh nghiệp đã được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch từ ngày 15/04/2024 vì đã nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) theo quy định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/06, giá cổ phiếu CT6 ở mức 6.800 đồng/cp.