
Thông tin trên Đời sống và Pháp luật, Bác sĩ Hoàng Huy Long, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện 71 Trung ương (Thanh Hóa) cho biết, thời gian vừa qua bác sĩ điều trị cho một ca bệnh khá đặc biệt.
Cụ bà 85 tuổi nhập Khoa Hồi sức tích cực (ICU) ngày 27/6 trong tình trạng suy hô hấp nặng, rối loạn ý thức, khí máu động mạch thể hiện toan hô hấp nặng (pH 7.1, PaCO2 xấp xỉ 100mmHg) và được chỉ định thông khí nhân tạo xâm nhập.
Khám lâm sàng, các bác sĩ đánh giá tim mạch, hô hấp của bệnh nhân khá ổn. Chính vì thế, đây không thể là căn nguyên dẫn đến tình trạng suy hô hấp như trên.
Khai thác kỹ thông tin từ người nhà được biết, 8 năm trước, bệnh nhân từng được chuẩn chẩn đoán hen phế quản, và đã tự dùng thuốc Bambuterol (Bambec) 10mg liên tục trong khoảng thời gian trên mà không tái khám. Thời gian gần đây, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, yếu cơ tăng dần.
Nghi ngờ bệnh nhân gặp tình trạng nhược cơ do thuốc dẫn đến suy hô hấp, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm phospho máu (nồng độ phosphat huyết thanh), cho thấy chỉ số trên của bệnh nhân hạ thấp.
“Đây là ca bệnh rất thú vị, thú vị về cơ chế bệnh sinh và đặc biệt hoàn cảnh xuất hiện. Sau khi được bù Phospho, cơ lực của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Tình trạng bệnh nhân tiến triển theo từng ngày và cai được máy thở. Hôm nay (7/7), bệnh nhân đã được xuất viện về nhà”, bác sĩ Long đánh giá.
Bác sĩ Long phân tích, Bambuterol là một loại thuốc cường beta-2. Việc dùng thuốc cường beta-2 kéo dài (như salbutamol, terbutaline, formoterol, salmeterol…) có thể gây hạ phospho máu, mặc dù ít gặp hơn so với hạ kali máu. Các thuốc cường beta-2 làm tăng hoạt tính của men Na⁺/K⁺-ATPase và kích thích sự chuyển phosphat vào trong tế bào, dẫn đến giảm nồng độ phosphat trong máu (hạ phospho máu). Cơ chế tương tự với hạ kali và hạ magnesi máu do thuốc này. Ngoài ra, beta-2 agonists còn kích thích tăng tiết insulin, làm phospho đi vào tế bào nhiều hơn.
Phospho là một chất điện giải quan trọng, đóng vai trò trong. Khi nồng độ phospho trong máu giảm đáng kể (thường <1 mg/dL hoặc <0,32 mmol/L), có thể dẫn đến nhiều hậu quả, trong đó nổi bật là yếu cơ toàn thân, đặc biệt là các cơ hô hấp, cơ chân tay và cơ thân mình. Triệu chứng thần kinh - cơ của hạ phospho máu: Nhược cơ, yếu cơ; Giảm trương lực cơ; Có thể liệt cơ hô hấp, gây suy hô hấp (trong trường hợp nặng); Yếu liệt lan tỏa (giống bệnh lý thần kinh - cơ); Thậm chí co giật, lú lẫn hoặc hôn mê (do tổn thương năng lượng ở hệ thần kinh trung ương).
Vị chuyên gia khuyến cáo, việc người dân tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ đang trở thành một thực trạng đáng báo động tại cộng đồng. Nhiều người vì chủ quan hoặc mong muốn tiết kiệm thời gian, chi phí đã tự mua thuốc theo cảm tính, sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc dùng đơn thuốc của người khác khi thấy mình có triệu chứng tương tự.
Theo Sức khỏe và Đời sống, 3 sai lầm phổ biến khi tự dùng thuốc chữa bệnh gây nguy hiểm:
Tự cảm nhận bệnh qua triệu chứng và tự dùng thuốc
Người bệnh chỉ nhận biết từ các triệu chứng lâm sàng, không phân biệt được tình trạng đó là bệnh gì. Nếu đơn lẻ 1, 2 triệu chứng lâm sàng cũng có thể là biểu hiện giống nhau của nhiều bệnh khác nhau;
+ Tự quyết định và chỉ định thuốc cần mua theo cảm nhận chủ quan, trong khi không nắm rõ bệnh gì, mức độ ra sao và phải dùng thuốc gì?
+ Có khi dùng thuốc theo mách bảo truyền miệng của người không có chuyên môn và kiến thức y tế.
+ Chỉ chú trọng thuốc điều trị triệu chứng mà không hay biết đâu là thuốc chính để loại trừ nguyên nhân gây bệnh.
Tin dùng thuốc theo quảng cáo trên mạng xã hội khi không có đủ xác thực về nguồn gốc, tính hợp pháp của thuốc và thày thuốc
Không nên dùng thuốc trị bệnh đơn thuần theo quảng cáo trên thông tin đại chúng vì thông tin phiến diện không đầy đủ, với chỉ một thuốc đơn lẻ như quảng cáo thường không đảm bảo trị bệnh hiệu quả. Nhiều trường hợp là quảng cáo không trung thực, lừa dối, phóng đại tác dụng hoặc không chính xác tác dụng.
Thuốc đông, nam dược (và rất nhiều thực phẩm chức năng) được cho là nguồn gốc tự nhiên quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội (nhất là các quảng cáo không đăng ký, không được kiểm soát trên các mạng: Yotube, Facebook, Zalo, Instagram...), chỉ định và bán thuốc gián tiếp thông qua online đang hướng người dùng thuốc rơi vào nhìn nhận sai lệch trước mê hồn trận quảng cáo thật giả lẫn lộn.
Sai lầm khi dùng riêng thực phẩm chức năng để chữa bệnh
Một số người nghe theo và tin theo quảng cáo dùng đơn độc thực phẩm chức năng để chữa bệnh. Điều đó là không đúng và không thể.
Thực trạng phổ biến quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay là "đăng ký một đằng, quảng cáo một nẻo", thậm chí nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như một thứ "thần dược" có khả năng khiến cho "bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ". Do đó, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ để hiểu rõ về sản phẩm có phù hợp không.
Xin lưu ý, Bộ Y tế đã yêu cầu bắt buộc phải in trên bao bì, trên tờ hướng dẫn, công bố trên thông tin quảng cáo nội dung "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".