Căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng khi Mỹ chính thức tuyên bố áp thuế 10% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa áp thuế 25% đối với Canada, Mexico sau 1 tháng tạm hoãn.
Với Việt Nam, tuy không phải đối tượng bị áp thuế nhưng khó tránh khỏi lo ngại liệu chính quyền Tổng thống Trump có đưa Việt Nam trở thành mục tiêu tiếp theo bị áp thuế hay không. Bởi theo nhiều chuyên gia, với thặng dư thương mại lên tới 106 tỷ USD với Mỹ trong năm 2024, không loại trừ khả năng Việt Nam có thể bị đưa vào “tầm ngắm”.
Rủi ro Mỹ áp thuế đối với Việt Nam khá thấp.
Rủi ro Mỹ áp thuế đối với Việt Nam khá thấp
Trước những lo ngại này, ông Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam cần phải cân nhắc, xem xét 2 yếu tố.
Thứ nhất, cần phải đánh giá xem mình có vấn đề gì với Mỹ hay không, có phải đối tượng mục tiêu chính của Mỹ hay không. Hiện nay, dựa trên nhiệm kỳ đầu của ông Trump cũng như chính sách chung của Mỹ, đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của quốc gia này vẫn là Trung Quốc. Chính vì vậy, Tổng thống Trump sẽ sử dụng các phương thức đặc biệt khi nhằm vào Trung Quốc.
Thứ hai, ông Trump cũng sẽ chú ý đến nhưng quốc gia có liên quan đến Trung Quốc hay có yếu tố mất cân bằng với Mỹ, trong đó thâm hụt thương mại cũng là một tiêu chí được đánh giá.
Theo ông Vinh, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là một vấn đề tương hỗ khách quan trong thương mại giữa các nền kinh tế. Nếu Mỹ hạn chế Trung Quốc thì đương nhiên sẽ phải tăng nhập khẩu từ các nước khác, trong đó Việt Nam là một quốc gia có lợi thế cạnh tranh.
Cách đánh thuế của ông Trump không chỉ để cải thiện thâm hụt thương mại mà còn là công cụ giải quyết tranh chấp và vấn đề lớn với quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam trong quan hệ với Mỹ không có vấn đề căn bản lớn cả về kinh tế, thương mại hay công nghệ.
Trước đây, vấn đề thao túng tiền tệ từng gây chú ý. Tuy nhiên, Mỹ cũng có 3 tiêu chí riêng để quyết định liệu một quốc gia có vi phạm hay không. Chính sách Việt Nam không có chủ ý trục lợi từ Mỹ khi điều hành tài chính vĩ mô. Nước ta cũng rất chủ động lắng nghe lo ngại của đối tác nên vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính Mỹ về vấn đề này.
“Từ những yếu tố trên, chúng ta có thể thấy rằng tuy không thể loại trừ việc Tổng thống Trump có thể áp thuế lên một số mặt hàng như thép hay kẽm của Việt Nam, song, rủi ro áp thuế lên toàn bộ nền kinh tế là khá thấp”, ông Vinh nói.
Cơ hội để đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Bên cạnh những lo ngại trở thành mục tiêu tiếp theo bị áp thuế, nhiều quan điểm cho rằng, “cuộc chiến” thuế quan lần này của Tổng thống Trump một lần nữa mang đến cho Việt Nam một số cơ hội nhất định.
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Việt Nam từng hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và xuất khẩu sang Mỹ gia tăng.
Cơ hội để Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo PGS. TS Trần Thăng Long, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM, việc Mỹ áp thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc sẽ khiến hàng hóa từ quốc gia này nhập khẩu vào Mỹ trở lên đắt đỏ hơn. Đây có thể coi là điểm thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam khi có tính cạnh tranh hơn về giá, đặc biệt là những sản phẩm có sự tương đồng với Trung Quốc như dệt may, da giày, đồ gỗ,…
Từ đó, lượng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng lên, tạo cơ hội mở rộng giao thương thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các loại hàng hóa mang tính chất thay thế như linh kiện, sản phẩm tiêu dùng.
“Các sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam vốn dĩ đã có lợi thế về giá, do đó, đây được coi là cơ hội để Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu tận dụng tốt, chúng ta có thể trở thành trung tâm sản xuất thay thế, đóng vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực nhất định”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng, đây cũng là cơ hội để nâng cao khả năng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Khi chi phí sản xuất từ Trung Quốc trở lên đắt đỏ, các công ty đa quốc gia sẽ dịch chuyển nhà máy, cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Đồng thời, cũng giúp cho năng lực sản xuất của chúng ta tốt lên.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cải thiện môi trường chính sách thương mại, giúp cắt giảm chi phí, hàng rào phi thuế quan hay các biện pháp thuế quan khác. Thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp nội địa, tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, cũng theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cũng phải đối mặt với nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại từ Mỹ.
Ông Steven Okun, CEO APAC Advisors cho rằng, chính sách thương mại của Mỹ đang dần đi theo hướng bảo hộ mạnh mẽ, có thể làm suy giảm đáng kể thương mại toàn cầu. Trong kịch bản xấu nhất, nếu Mỹ áp thuế cao hơn lên hàng hóa từ Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần sẵn sàng đối phó bằng cách tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực sản xuất nội địa.
“Với vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam có đủ tiềm năng để biến thách thức thành cơ hội”, CEO APAC Advisors nói.