Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

ĐBQH: "Đã làm thuốc giả, thực phẩm giả để hại nhiều người chết thì không xứng đáng làm người"

Đây là ý kiến của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan và nhiều ĐBQH cũng đồng tình rằng, sản xuất hàng giả không khác gì cố ý giết người.
ah3i3937-nguyen-hai-trung-ha-noi-1747735967522-1747799536.webp
Đại biểu Nguyễn Hải Trung phát biểu tại tổ (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo chương trình nghị sự, chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thông tin trên báo Dân trí, phát biểu tại tổ góp ý vào dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc bỏ một số tội có hình phạt tử hình.

Theo ông Trung, nhiều quốc gia hiện nay không quy định hình phạt tử hình hoặc có quy định nhưng không thi hành. Việc duy trì án tử hình cũng ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại và cả hoạt động tư pháp.

"Tôi ủng hộ chủ trương giảm bớt một số tội có án tử hình và trong tương lai có thể tiến tới bỏ hẳn hình phạt này", ông Trung nêu ý kiến.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn với nhóm tội liên quan đến ma túy, đặc biệt là tội vận chuyển ma túy.

Theo ông Trung, Quốc hội vừa thông qua chương trình phòng, chống ma túy quốc gia đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại.

Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đẩy lùi tệ nạn ma túy nhưng thực tế ông Trung cho rằng tội phạm ma túy hiện nay rất đa dạng như sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng…

Ông Trung cho biết dự thảo luật lần này đề xuất giảm hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển ma túy. "Ở nhiều tỉnh miền núi người dân vì hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm nên dễ bị lôi kéo vào vận chuyển ma túy, có người nghĩ đơn giản vận chuyển vài gam thì không vấn đề gì nhưng nếu vận chuyển đến hàng tấn thì sao?", ông Trung nêu vấn đề.

Đại biểu cho biết có nước trên thế giới, các đối tượng còn dùng cả tàu ngầm để vận chuyển ma túy. Theo ông Trung, hành vi vận chuyển ma túy vẫn cần giữ hình phạt tử hình nhưng nên có sự phân hóa theo mức độ, tính chất, hành vi phạm tội.

Ông Trung nhấn mạnh đối tượng sử dụng ma túy là nguồn phát sinh của rất nhiều loại tội phạm khác, từ ma túy có thể kéo theo trộm cắp, giết người và nhiều hệ lụy xã hội khác. Phân tích cho thấy đa số người nghiện ma túy không có việc làm ổn định, dễ sa ngã vào con đường phạm pháp.

Liên quan các hành vi về hàng giả, ông Trung dẫn tiểu phẩm có nội dung "thuốc giả, bác sĩ giả, chỉ con tôi chết là thật" và cho rằng trong nhóm hành vi hàng giả thì việc sản xuất thuốc giả phải có mức phạt cao hơn so với các loại hàng giả khác do tính chất nghiêm trọng.

Cũng đưa thông tin về cuộc thảo luận tổ, báo VnExpress cho hay, đại biểu Tao Văn Giót, Phó bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu, đồng tình với cơ quan soạn thảo khi tăng mạnh mức phạt tiền và phạt tù với các hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, ông cho rằng mức phạt 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng tùy thuộc vào hành vi như dự thảo là chưa đủ sức răn đe và chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này. Hầu hết vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả đều là phạm tội có tổ chức, có kế hoạch với phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng. "Đây là loại tội phạm biết hậu quả nhưng vẫn cố ý làm sai, trong khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống người dân. Sản xuất hàng giả không khác gì cố ý giết người", đại biểu Giót nhấn mạnh.

Ông đánh giá mức phạt 200 triệu đồng đến 2 tỷ và mức án tù 1-5 năm không thể ngăn chặn triệt để loại tội phạm này, nhiều người sẽ bất chấp phạm tội do mức lợi nhuận quá lớn và khó bị phát hiện. Vì vậy ông đề nghị nâng mức phạt cho các hành vi này lên 10 năm tù đến chung thân. Mức phạt tiền thì căn cứ trên số lượng hàng giả đã tung ra thị trường, số lợi nhuận bất chính để có căn cứ xử lý.

Ông cũng đề nghị xử phạt thật nặng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng. "Người có ảnh hưởng, người nổi tiếng đương nhiên có hiểu biết, thuộc tầng lớp tri thức, không thể trả lời không biết sản phẩm mình quảng cáo kém chất lượng", ông nói.

202505081629513277z6581161741391e63bdc2b285cd8e8f6ce065bf91a5aef-17477316345712117033763-1747799583.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) - Ảnh: Q.P.

Trên báo Tuổi trẻ đưa thông tin, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết bà rất băn khoăn trong việc đề xuất bỏ án tử hình đối với 4 tội: vận chuyển trái phép chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và phòng bệnh; tội tham ô và tội nhận hối lộ.

Theo bà Lan: "Thông thường nếu tình hình tội phạm nào đó khả quan, có thể giảm án; ngược lại, nếu tình hình ngày càng nghiêm trọng, biện pháp tăng mức xử phạt sẽ được xem xét (giống xử lý vi phạm giao thông). Hiện nay việc quản lý, xử lý 4 tội danh này chưa hiệu quả. Tình hình sản xuất ma túy, thuốc giả, tham ô, nhận hối lộ vẫn rất phức tạp".

Nữ đại biểu đề nghị ban soạn thảo cung cấp dữ liệu về mức xử phạt của các quốc gia về 4 tội danh trên để đại biểu xem xét. Trong đó cung cấp số liệu trong số quốc gia có áp dụng mức án tử hình, họ có xử kịch khung hay không.

"Chúng ta nhân văn với tội phạm là độc ác với người dân lương thiện. Hãy nghĩ đến nỗi đau của các nạn nhân và gia đình họ, nhà mình có người chết làm sao chấp nhận được", bà nói.

Về mặt chuyên môn, bà Lan nhấn mạnh: "Tội làm thuốc giả nghiêm trọng. Thầy dạy chúng tôi đạo đức nghề nghiệp, khi một bác sĩ yếu tay nghề chỉ làm chết một bệnh nhân và bị kỷ luật, còn nếu dược sĩ tán tận lương tâm làm thuốc giả sẽ giết nhiều người, như giết người hàng loạt, đáng bị trừng trị thích đáng. Biết lợi nhuận nhưng vẫn làm, phải xử lý nghiêm".

Theo bà Lan: "Dù chưa có tiền lệ tử hình tội làm thuốc giả, nhưng trước thực trạng thuốc giả ảnh hưởng tính mạng, cần áp dụng án tử hình để răn đe, tránh vi phạm trong tương lai. Trung Quốc từng tử hình cục trưởng quản lý dược năm 2017 vì cấp phép thuốc gây chết người. Án tử hình cần được thi hành để cảnh cáo, răn đe".

Đại biểu này còn đề nghị thêm án tử hình với tội làm thực phẩm giả, hiện mức kịch khung mới chỉ chung thân.

"Thực phẩm làm giả hàng loạt, đặc biệt vừa qua sữa giả, thực phẩm giả ảnh hưởng người già, trẻ em… , hậu quả nặng nề như thế nào. Trong trường hợp này cần xem xét, cần thêm án tử hình cho những tội như vậy mới đủ răn đe", bà Lan nêu.

Bà Lan tiếp tục thể hiện quan điểm: "Trước khi phát biểu tôi hỏi ý kiến nhiều người, đồng nghiệp, bác sĩ, dược sĩ, tất cả thống nhất nếu đã làm thuốc giả, những thứ thực phẩm giả để hại nhiều người chết thì không xứng đáng làm người.

Chúng tôi không đồng nghiệp với những dạng người như thế, đặc biệt trong bối cảnh này, giữ án tử hình cũng là câu trả lời dứt khoát cho người dân rằng Chính phủ quyết liệt trong việc xử lý các tội danh này, làm sao môi trường xã hội ngày càng tốt đẹp hơn".

Nhật Hạ (t/h)