Hà Nội chưa có bảng giá đất mới
Chiều 9/12, HĐND Thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về một số nội dung quan trọng, trong buổi thảo luận nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng "thổi giá" trong các buổi đấu giá đất nền ở các huyện ngoại thành vừa qua.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) cho biết, tình trạng "thổi giá" đất đấu giá nổi lên ở một số huyện ở Hà Nội như Hoài Đức, Quốc Oai và gần đây nhất là Sóc Sơn lên đến 30 tỷ đồng/m2.
Theo ông Đức, tình trạng này là bất thường; đòi hỏi Hà Nội phải có giải pháp quyết liệt để khơi thông, thúc đẩy thị trường bất động sản. Đồng thời, đại biểu Đức cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ ''thổi giá'' bất động sản khiến người dân khó mua nhà.
"Đề nghị lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an Thành phố Hà Nội, phải điều tra, làm rõ và triệt tiêu tình trạng "thổi" giá, bỏ đấu giá giữa chừng làm thất bại cuộc đấu giá, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội", đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thắng - Bí thư huyện ủy Chương Mỹ bày tỏ lo ngại trước diễn biến bất thường tại các cuộc đấu giá đất tại khu vực ngoại thành Hà Nội như Thanh Oai, Sóc Sơn.
"Đó là việc thao túng giá, đẩy giá, thậm chí là phá hoại công tác đấu giá đất như ở huyện Sóc Sơn, đưa ra mức giá 30 tỷ đồng/m2", Bí thư huyện ủy Chương Mỹ nhận định.
Từ đó, ông Thắng đề nghị thành phố cần xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc nội dung này vì liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, mặt khác cũng để các địa phương yên tâm khi thực hiện công tác đấu giá đất, tránh xảy ra các tình huống bất thường tương tự.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố đang có vấn đề hạn chế là chưa có bảng giá đất mới mà Luật Đất đai 2024 quy định phải có.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, do bảng giá đất chưa có nên một số việc rất quan trọng ở Hà Nội bị ảnh hưởng. Cụ thể là việc xác định giá đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng hay như xác định giá khởi điểm đấu giá đất.
"Hiện nay, giá khởi điểm của Hà Nội "thấp ơi là thấp", có nơi 1,7 triệu đồng/m2. Trong khi đó các bước đấu giá nhảy hỗn loạn, nhiều kỳ đấu giá thành nhờn đấu giá, có nơi như ở huyện Thanh Oai đấu giá thất bại, còn ở huyện Sóc Sơn có giá cao đột biến", ông Tuấn nói.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng, tình trạng trên sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Cụ thể, nhiều địa phương sẽ không hoàn thành chỉ tiêu đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này còn ảnh hưởng đến chỉ tiêu chi cho đầu tư phát triển, cũng như giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.
Do vậy, ông Tuấn đề nghị nội dung này cần phải nghiêm túc đánh giá để có giải pháp khắc phục.
Chỉ rõ tồn tại nhưng chưa có giải pháp cụ thể
Liên quan đến đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, đại biểu Nguyễn Lan Hương (Tổ Tây Hồ), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội nêu thực trạng đề án đã qua nhiều mốc tiến độ thực hiện nhưng đến thời điểm này, sản phẩm cụ thể trên địa bàn rất ít.
"Trong việc tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, chúng ta cần có các giải pháp căn cơ hơn và cần sản phẩm cụ thể. Việc thực hiện không cần đồng loạt nhưng phải chỉ rõ khu vực cụ thể làm điểm cho toàn thành phố. Qua giám sát việc thực hiện đề án, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nhận thấy còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được giải quyết căn cơ, triệt để", bà Hương nêu.
Cùng trăn trở, đại biểu Nguyễn Văn Luyến (Tổ Đan Phượng) cho rằng, qua tổng kết, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được chỉ rõ nhưng thành phố chưa có giải pháp cụ thể, căn cơ, hợp lý để thu hút doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Nguyễn Mạnh Quyền nêu thực trạng phát triển đô thị ở Thủ đô đang đối mặt với các thách thức lớn là ùn tắc giao thông, ngập lụt và ô nhiễm môi trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố cần phát triển đô thị vệ tinh, giãn dân cư thì mới giảm được ùn tắc, ngập lụt. Về xử lý môi trường, cần đầu tư thỏa đáng để thành phố phát triển đồng bộ "sáng, xanh, sạch, đẹp". Thời gian tới, thành phố phải tăng tốc trong xây dựng hạ tầng cho sản xuất, thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao sinh học Bắc Từ Liêm.
Đặc biệt, Hà Nội có số làng nghề lớn, tiềm năng, cần tập trung phát triển, tạo mặt bằng sản xuất…, kết hợp với các yếu tố khác để thu nhập người dân Hà Nội đạt bình quân 36.000 USD/người vào năm 2045.