Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là lòng tin của nhân dân đối với Đảng

Từ cuộc sống đời thường và công việc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

Gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam đã rời xa cõi tạm, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đồng bào cả nước.

Khẳng định vai trò to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, TS. Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH đoàn Bình Dương nhấn mạnh để làm được điều đó, trước hết bản thân đồng chí là người luôn đi đầu, gương mẫu, nói đi đôi với làm, giữ gìn tác phong và đạo đức cách mạng.

Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành trung tâm đoàn kết của Đảng và hệ thống chính trị với tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Từ cuộc sống đời thường và công việc, đồng chí Tổng Bí thư là tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là lòng tin của nhân dân đối với Đảng- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Công Phàn.

Theo ĐBQH Trần Công Phàn, từ việc nhìn ra nguy cơ mà tham nhũng, tiêu cực đe dọa đến lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước, sự ổn định, phát triển của đất nước và sự tồn vong của chế độ, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên trì nhấn mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một vấn đề trọng yếu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là việc làm cần thiết, tất yếu và thực tế đã trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Với nhận thức đó và quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư khởi xướng và chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc nâng cao đạo đức cách mạng của người cán bộ, Đảng viên, thắt chặt công tác cán bộ và có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hữu hiệu, để "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng".

Từ những kết quả nổi bật của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, để đưa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực về cơ sở, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên,nhân dân.

"Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ quyết tâm chính trị đã chuyển thành hiện thực sinh động, thể hiện bằng hành động ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Chính điều này làm cho cán bộ, đảng viên tin tưởng vào Đảng hơn, khối đại đoàn kết trong nhân dân được củng cố tốt hơn. Lòng tin của người dân và đảng viên đối với Đảng được củng cố vững chắc. Thông qua đấu tranh phòng chống tham nhũng, Đảng mạnh hơn, nhân dân tin Đảng hơn", ông Trần Công Phàn nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Trần Công Phàn cũng gợi nhắc đến sự quan tâm của Tổng Bí thư đối với Hội luật gia Việt Nam, đến giới luật, biểu hiện sinh động đó là Tổng Bí thư đã kết luận ban hành Chỉ thị số 14 ngày 1/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Hội Luật gia Việt Nam trong tỉnh hình mới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Giai đoạn này chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền, vai trò của các luật gia và Hội Luật gia Việt Nam rất quan trọng, nên sau khi tổng kết 20 năm Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, Bộ Chính trị phải tiếp tục ra Chỉ thị về công tác Hội Luật gia Việt Nam".

Chỉ thị 14 khẳng định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội – nghề nghiệp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đối với Hội Luật gia Việt Nam nhằm phát huy các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chỉ thị nhấn mạnh, cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam, tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh về tổ chức. Qua đó, phát huy hơn nữa vai trò của Hội trong tình hình mới.

Giản dị, khiêm nhường, khiêm tốn và gần gũi

Bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với sự ra đi của Tổng Bí thư, PGS. TS. Bùi Thị An, ĐBQH khoá XIII nhấn mạnh, nhân dân, Đảng đã ghi nhận đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo xuất sắc, đã có công trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, "chèo lái" những năm qua để đưa đất nước ngày càng phát triển.

Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là lòng tin của nhân dân đối với Đảng- Ảnh 2.

Bà Bùi Thị An, ĐBQH khoá XIII.

"Tôi thấy đồng chí Tổng Bí thư là người của công việc, trong công việc vô cùng tận tâm, tận tụy, vì dân, vì nước, vì Đảng và rất kiên quyết, rất quyết liệt nhưng vẫn rất nhân văn. Còn với đời thường, bạn bè, anh em với đồng chí thì Tổng Bí thư lại rất giản dị, khiêm nhường, khiêm tốn và gần gũi lắng nghe", bà An chia sẻ những ấn tượng của mình về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo bà, có lẽ vì thế mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được "dân tin, dân quý, dân trọng", được Đảng tín nhiệm, được bạn bè quốc tế tôn vinh và yêu mến.

Bà An cũng một lần nữa khẳng định vai trò rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Là người cầm cờ, tập hợp ý chí của Đảng, của Trung ương, của dân để thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

"Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thắng lợi đến hôm nay thì công của Tổng Bí thư rất lớn. Khi nhắc đến người "đốt lò" thì hình ảnh Tổng Bí thư luôn luôn hiện hữu", bà An nhấn mạnh và cho rằng vai trò của Tổng Bí thư rất lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một dấu ấn đậm nét trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay. Nhờ sự quyết tâm, cương quyết với tinh thần không có vùng cấm của người đứng đầu Đảng, đã tạo nên một khí thế mới trong việc làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ.

"Những câu nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như "cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai",… như là lời hiệu triệu của Đảng, là chỗ dựa của cả hệ thống chính trị trong công cuộc chống lại những điều xấu xa, tiêu cực. Với những người đại biểu như chúng tôi, sự quyết tâm và tinh thần chỉ đạo của đồng chí luôn là cơ sở để chúng tôi có thêm dũng khí, thẳng thắn nêu ý kiến, đối diện với sự thật, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực", ông Hòa nói.

Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là lòng tin của nhân dân đối với Đảng- Ảnh 3.

ĐBQH Phạm Văn Hòa chụp ảnh lưu niệm cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo đại biểu này, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chúng ta đã nghiêm túc xử lý hàng loạt cán bộ, trong đó có cả cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, kể cả Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy, tướng lĩnh… hàng loạt vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui, xử lý. Công tác phòng chống tham nhũng được xử lý với tinh thần công tâm, khách quan nhưng cũng rất nhân văn với những người biết ăn năn, hối cải, chuộc lại lỗi lầm của mình.

"Di sản mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, Đảng được củng cố, ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, là lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển đi lên của chế độ, là vị thế ngày càng cao của Đảng, Nhà nước trên trường quốc tế", ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Mặc dù là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhưng cảm nhận trong ông Hòa về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại là một con người nhân hậu, gần gũi, bình dị, có tình thương yêu và quan tâm đồng chí. "Những cử chỉ thân tình mà đồng chí Tổng Bí thư dành cho chúng tôi dù ít có dịp tiếp xúc khiến chúng tôi vô cùng xúc động và thêm phần kính trọng đồng chí. Đó thực sự là một con người mẫu mực, xứng đáng là tấm gương để toàn Đảng, toàn dân học tập, noi theo".