Một bài toán không hề dễ dàng
Một trong những lựa chọn phổ biến của các doanh nghiệp SMEs là đầu tư vào tài sản cố định để nâng cao quy mô hoặc công suất sản xuất. Tuy nhiên, lựa chọn này không phải lúc nào cũng đem lại kết quả tích cực.
Đối với những doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành có tốc độ tăng trưởng thấp hoặc đã bão hòa, việc đầu tư vào tài sản cố định có thể gặp rủi ro lớn. Các nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi mạnh mẽ, trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn trong năm 2025, làm cho việc mở rộng sản xuất không phải là một quyết định hợp lý.
Thêm vào đó, đầu tư vào tài sản cố định đòi hỏi một khoản vốn lớn, điều này khiến các doanh nghiệp SMEs gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Nếu dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe về chứng minh dòng tiền trả nợ và tài sản thế chấp, bởi các ngân hàng hiện nay đã trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị hạn chế tiếp cận thị trường vốn cổ phần đại chúng do không đủ điều kiện để IPO và niêm yết cổ phiếu.

Cơ hội từ các kênh đầu tư mới
Với những hạn chế khi đầu tư vào tài sản cố định, các doanh nghiệp SMEs có thể xem xét các kênh đầu tư khác để tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, các kênh đầu tư dành cho doanh nghiệp không đa dạng và linh hoạt như của cá nhân. Các cá nhân có thể dễ dàng tham gia vào các hình thức đầu tư như tiền gửi, vàng, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay tiền số, trong khi các doanh nghiệp SMEs lại thường chỉ có lựa chọn tiền gửi ngân hàng.
Ông Phạm Ngọc Việt, chuyên gia tài chính, hội viên kế toán quản trị Úc (CMA Australia) chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp nhận thức rằng hoạt động đầu tư tài chính sẽ trở thành một trụ cột trong chiến lược phát triển dài hạn thông qua việc thiết lập thành viên hội đồng quản trị và tiểu ban chuyên trách về hoạt động đầu tư".
Tuy nhiên, hạn chế của doanh nghiệp SMEs là thiếu đội ngũ nhân sự chuyên môn, khó khăn trong việc xây dựng quy trình quyết định và kiểm soát rủi ro khi đầu tư vào các tài sản khác ngoài tiền gửi. Điều này làm cho việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư hiệu quả trở nên khó khăn, bởi lẽ không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để quản lý các danh mục đầu tư đa dạng", ông Việt nhấn mạnh.
Dịch vụ ủy thác đầu tư: 1 giải pháp hiệu quả?
Theo số liệu từ FiinGroup, tính đến cuối năm 2023, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) của các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam đạt khoảng 592.000 tỷ đồng (tương đương 25,6 tỷ USD). So với quy mô nền kinh tế, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 5,9% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia (51,5%), Hàn Quốc (33,2%) hay Thái Lan (20,4%).
Sau khi hệ thống giao dịch KRX được chính thức vận hành vào ngày 05/05/2025, TTCK Việt Nam đã đáp ứng đủ 9/9 điều kiện để được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging market) theo FTSE Russell. Khi đó, mức độ chuyên nghiệp của thị trường cần được nâng cao và dòng vốn mới tỷ đô sẽ tìm đến các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.
Để không bỏ lỡ cơn sóng tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp cần biết tận dụng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh truyền thống để chuyển dịch sang hoạt động đầu tư tài chính. Nhưng để phá bỏ các rào cản, hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, việc sử dụng dịch vụ ủy thác đầu tư của các bên cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp là cần thiết.
Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng từ phía các doanh nghiệp SMEs, các công ty quản lý quỹ và các định chế tài chính đã cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi một cách hiệu quả.
Các công ty quản lý quỹ hàng đầu như Dragon Capital, VinaCapital hay Vietcombank Fund hiện nay cung cấp dịch vụ quản lý quỹ mở với hiệu suất đầu tư trung bình từ 12-15% mỗi năm, giúp các nhà đầu tư có thể đạt được lợi nhuận hấp dẫn mà không phải tự quản lý các khoản đầu tư.
Dịch vụ ủy thác đầu tư riêng biệt là một lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp SMEs. Các danh mục đầu tư được thiết kế riêng biệt cho từng doanh nghiệp dựa trên khẩu vị rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận của khách hàng. Đây là một cơ hội để các doanh nghiệp SMEs có thể đầu tư một cách chuyên nghiệp mà không phải lo lắng về việc quản lý trực tiếp, đồng thời vẫn có thể tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi.
Cơ hội luôn đến với doanh nghiệp SMEs biết nắm bắt thời cuộc
Ông Phạm Ngọc Việt cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp SMEs: “Hiện cả nước có 43 công ty quản lý quỹ được Bộ Tài Chính cấp phép hoạt động, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, năng lực đầu tư của mỗi công ty là khác nhau.
Doanh nghiệp SMEs cần lựa chọn công ty quản lý quỹ có bề dày kinh nghiệp, có hiệu suất vận hành quỹ mở (performance) trong dài hạn vượt trội so với các chỉ số tham chiếu (benchmark), thậm chí “out-perform” toàn thị trường. Những công ty quản lý quỹ là liên doanh với các định chế tài chính lớn trên thế giới càng có lợi thế, vì Việt Nam đang từng bước tham gia vào cuộc chơi toàn cầu.
Khẩu vị rủi ro và chiến lược đầu tư của quỹ nên hướng đến sự an toàn. Nên lựa chọn các quỹ tập trung vào chứng khoán cơ sở, quản lý rủi ro thông qua hiểu rõ về doanh nghiệp, phân tích được tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, bên cạnh việc mua ở định giá rẻ hoặc hợp lý so với giá trị, thiết lập danh mục đầu tư đa dạng và hạn chế hoặc không sử dụng các công cụ hedging như future hay option.”

Tại hội thảo WeTalk: Đầu tư gì năm 2025 được tổ chức bởi Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam và Báo đầu tư, ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Quản lý Danh mục Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank đã đưa ra các thống kê để chứng minh rằng việc liên tục đầu tư và nắm giữ dài hạn luôn đem lại hiệu quả sinh lời vượt bậc.
Ông Duy Anh nhận định: “Nếu nhà đầu tư đứng ngoài chỉ vì lo lắng về các đợt điều chỉnh của thị trường thì sẽ bỏ lỡ các cơ hội lợi nhuận, thậm chí chi phí cơ hội còn lớn hơn số tiền thực sự mất khi các biến động xảy ra".
Đối với các doanh nghiệp SMEs, việc tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi là một yếu tố quan trọng để duy trì sự phát triển bền vững. Việc lựa chọn dịch vụ ủy thác đầu tư của các công ty quản lý quỹ uy tín sẽ giúp doanh nghiệp SMEs tối đa hóa lợi nhuận mà không cần phải tự quản lý các khoản đầu tư phức tạp. Đây chính là một giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức tài chính và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Về VCBF
VCBF (Vietcombank Fund Management) là một trong những công ty quản lý quỹ uy tín tại Việt Nam. Liên doanh giữa Vietcombank và Franklin Templeton Investments, VCBF đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý quỹ và đầu tư tài chính. Công ty này được kiểm toán bởi EY và giám sát bởi ngân hàng Standard Chartered.
Hiện tại, VCBF đang nhận ủy thác đầu tư từ nhiều tổ chức tài chính lớn như các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và đặc biệt là từ các doanh nghiệp SMEs, giúp họ tối ưu hóa dòng tiền một cách hiệu quả.
VCBF cung cấp các giải pháp đầu tư linh hoạt, giúp doanh nghiệp SMEs không chỉ tối ưu hóa dòng tiền mà còn tận dụng được sự chuyên nghiệp của các chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn.