Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đối mặt nguy cơ xảy ra siêu động đất, người dân ở Nhật Bản chuẩn bị những gì?

Người dân Nhật Bản chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi trong việc chuẩn bị trước các trận động đất lớn tiềm tàng. Toàn dân luôn trong ý thức cảnh giác cao độ.

Nhật Bản nằm trên ranh giới của bốn mảng kiến tạo, khiến nước này trở thành một trong những khu vực dễ xảy ra động đất nhất trên thế giới. Khoảng 10% các trận động đất có độ mạnh 6 trở lên trên thế giới xảy ra trong hoặc xung quanh Nhật Bản, nguy cơ mà Nhật Bản phải đối mặt cao hơn nhiều so với những nơi như châu Âu hoặc miền Đông nước Mỹ.

Sau trận động đất 7,1 độ làm rung chuyển nhiều khu vực phía Tây Nhật Bản hồi tuần trước, cảnh báo đã được đưa ra về khả năng xảy ra siêu động đất tại rãnh Nankai.

Ở khu vực rãnh Nankai, các trận động đất nghiêm trọng được ghi nhận với tần suất 100-200 năm/lần. Trận động đất cuối cùng như vậy xảy ra vào năm 1944 và 1946, cả hai đều có độ mạnh 8,1, gây ra sức tàn phá nghiêm trọng đối Nhật Bản, với tổng số ít nhất 2.500 người chết và hàng nghìn người khác bị thương, hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy.

Vì đã 78 năm trôi qua kể từ trận động đất lớn cuối cùng ở khu vực này, nên theo dữ liệu của chính phủ, khả năng xảy ra một trận động đất có cường độ 8-9 độ trong 30 năm tới là 70-80%.

Nhật Bản cảnh báo có thể xảy ra động đất lớn tại rãnh Nankai. Ảnh: NHK

Nhật Bản cảnh báo có thể xảy ra động đất lớn tại rãnh Nankai. Ảnh: NHK

Trong trường hợp xảy ra động đất quy mô lớn dọc theo rãnh Nankai, thời gian sóng thần ập đến có thể rất ngắn, khiến người dân không có đủ thời gian để sơ tán tới nơi an toàn.

Người dân Nhật Bản không còn xa lạ với những trận động đất. Song phần lớn đất nước vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ, chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Bà Megumi Sugimoto, Phó Giáo sư chuyên về phòng chống thiên tai tại Đại học Osaka, cho biết sự chuẩn bị bắt đầu từ trường học, thậm chí các trường mẫu giáo còn tổ chức diễn tập sơ tán và động đất cho trẻ mới biết đi.

“Không chỉ có động đất và sóng thần, mà các thảm họa khác cũng xảy ra thường xuyên, đặc biệt là vào mùa hè. Nhận thức và các biện pháp phòng ngừa của công chúng, chẳng hạn như dự trữ nguồn cung cấp khẩn cấp, có thể giúp bảo vệ người dân khỏi bất kỳ loại thảm họa nào”, bà Sugimoto ám chỉ các cơn bão, mưa lớn và lũ lụt.

Một ngôi nhà bị sập ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, sau trận động đất mạnh 7,1 độ richter vào ngày 8 tháng 8 năm 2024. Ảnh: Kyodo/ Getty

Một ngôi nhà bị sập ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, sau trận động đất mạnh 7,1 độ richter vào ngày 8 tháng 8 năm 2024. Ảnh: Kyodo/ Getty

Trong khi đó, Yota Sugai (một sinh viên 23 tuổi) cho biết khi nhìn thấy cảnh báo trên tivi, bản thân hực sự cảm thấy cấp bách và sợ hãi. Anh đã lập tức dự trữ nguồn cung cấp khẩn cấp như thực phẩm và nước uống, theo dõi bản đồ trực tuyến về các khu vực nguy hiểm và cân nhắc việc đến thăm người thân ở các khu vực ven biển, giúp họ lên kế hoạch sơ tán.

“Trận động đất vào ngày đầu năm mới nhắc nhở tôi rằng không biết được khi nào trận động đất sẽ xảy ra. Nó khiến tôi nhận ra sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên”, Sugai đề cập đến trận động đất mạnh 7,5 xảy ra trên Bán đảo Noto vào ngày 1/1, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Mashiro Ogawa (sinh viên 21 tuổi) cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự. Cô đã huẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp trong nhà và khuyến cha mẹ cũng làm như vậy. Ogawa cũng tránh đi biển vào lúc này và thay đổi đồ đạc trong nhà, chẳng hạn như di chuyển các kệ ra khỏi giường và hạ thấp chiều cao của chúng.

“Trước đây những điều này rất xa lạ, nhưng bây giờ nó có cảm giác rất thực tế”, Ogawa nói.

Một thông báo tại nhà ga xe lửa cho biết các chuyến tàu sẽ hoạt động với tốc độ chậm hơn sau cảnh báo động đất vào ngày 9/8/2024 tại Tokyo. Ảnh:  Getty

Một thông báo tại nhà ga xe lửa cho biết các chuyến tàu sẽ hoạt động với tốc độ chậm hơn sau cảnh báo động đất vào ngày 9/8/2024 tại Tokyo. Ảnh:  Getty

Tránh tích trữ quá mức

Theo The Japan Times, để chuẩn bị ứng phó trong trường hợp có động đất mạnh, người dân cần chuẩn bị: Đủ nước cho bạn và gia đình, khuyến nghị 3 lít/người/ngày trong ít nhất 3 ngày; giấy vệ sinh; một bộ dụng cụ khẩn cấp nhỏ; nếu có xe, hãy đổ xăng đầy bình; Một số tiền mặt. 

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản hiện kêu gọi người dân không nên tích trữ hàng hóa quá mức, khi cầu về bộ dụng cụ phòng chống thảm họa và nhu yếu phẩm hàng ngày đã tăng đột biến vào ngày 10/8.

Tại một siêu thị ở Tokyo, biển báo đã được dựng lên để xin lỗi khách hàng vì tình trạng thiếu hụt một số sản phẩm mà họ cho là do "các bản tin truyền thông liên quan đến động đất". Biển báo cho biết "các hạn chế bán hàng đang được áp dụng", đồng thời nói thêm rằng nước đóng chai đang được bán giới hạn số lượng do nguồn cung "không ổn định".

Sáng 10/8, trên trang web của tập đoàn thương mại điện tử Rakuten của Nhật Bản, nhà vệ sinh di động, thực phẩm bảo quản và nước đóng chai đứng đầu danh sách những mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, một số nhà bán lẻ dọc theo bờ biển Thái Bình Dương cũng báo cáo nhu cầu về các mặt hàng liên quan đến thảm họa tương tự đang ở mức cao.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Nhật Bản kêu gọi người dân "kiềm chế tích trữ hàng hóa quá mức".

Tấm biển ghi "nước đóng chai đang được phân phối theo khẩu phần, mỗi khách hàng chỉ được mua một thùng (sáu chai)" được treo tại một siêu thị ở Tokyo. Ảnh: ST

Tấm biển ghi "nước đóng chai đang được phân phối theo khẩu phần, mỗi khách hàng chỉ được mua một thùng (sáu chai)" được treo tại một siêu thị ở Tokyo. Ảnh: ST

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cũng chỉ ra rằng sẽ không hiệu quả nếu chỉ tập trung vào khả năng xảy ra động đất ở một khu vực cụ thể của Nhật Bản. Như vậy, các khu vực khác của đất nước phải đối mặt với các mối đe dọa tương tự nhưng nhận được ít sự chú ý hơn.

Theo Giáo sư Geller, việc nhấn mạnh vào Rãnh Nankai đã khiến người dân ở khu vực đó được chuẩn bị tốt, nhưng điều đó gây hại cho phần còn lại của đất nước. Mọi người nghĩ, Nankai rất nguy hiểm, còn Kumamoto hoặc Bán đảo Noto thì rất ổn.

“Lối suy nghĩ đó có tác dụng ru ngủ mọi người vào cảm giác an toàn giả tạo, ngoại trừ khu vực liên tục cảnh báo sắp xảy ra”, Giáo sư Geller kết luận.

Mộc Miên/Đời sống Pháp luật