Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Em trai khoe lương trăm triệu, ai ngờ nợ ngập đầu và âm thầm giữ cả sổ đỏ nhà bố mẹ

Vừa tân gia nhà mới, tôi đã mơ tưởng đến việc nhờ em trai giúp đỡ trả bớt khoản nợ xây dựng. Nào ngờ, đứa em trai tưởng chừng "ăn nên làm ra" ấy lại đang ôm khoản nợ gần ba tỷ và âm thầm giữ luôn sổ đỏ của bố mẹ tôi trong tay.

Vợ chồng tôi vừa hoàn thành căn nhà 3 tầng sau bao năm tích góp, tháng trước còn làm tiệc tân gia mời anh em họ hàng đến chung vui. Căn nhà này là giấc mơ của cả hai vợ chồng nên lúc xây, chúng tôi đầu tư khá mạnh tay – muốn mọi thứ vừa đẹp, vừa chắc chắn. Nhưng cái giá phải trả là chi phí xây dựng vượt xa khả năng tài chính, buộc chúng tôi phải vay mượn khắp nơi, kể cả vay ngoài với lãi suất cao.

Trong bữa tiệc, em trai tôi – Tuấn – hăng hái khoe rằng giờ nó kiếm gần trăm triệu mỗi tháng. Mẹ tôi thì rạng rỡ tự hào, hết lời kể công lao Tuấn cho cả họ nghe, như thể nó là “ngôi sao sáng” trong nhà.

Tối đó, tôi bàn với chồng việc hỏi mượn Tuấn một khoản để trả bớt nợ lãi ngoài. Dù hơi ái ngại nhưng chồng tôi cũng đồng ý, và hôm sau sang tận nhà bố mẹ tôi để nói chuyện. Nhưng anh về rất muộn, gần 10 giờ đêm, với vẻ mặt nặng trĩu. Tôi gặng hỏi mãi, đến lúc lên giường, anh mới thở dài:

- Thằng Tuấn không giàu như em nghĩ đâu, nó đang nợ gần 3 tỷ rồi...

Tôi sững sờ, tưởng chồng nói đùa. Nhưng anh kể tiếp: "Nó vay khắp nơi, cả tín dụng đen, xoay vòng đáo hạn mãi không xong. Nó “bốc phét” lương cao để đánh bóng bản thân với chủ nợ. Giờ bị dí riết nên tính bán nhà để trả nợ."

Tôi như rơi vào hố sâu. Những lần nó mời mẹ tôi đi ăn, biếu bố tiền thuốc, mua sắm cho cháu… hóa ra đều là tiền vay? Cả đêm đó, tôi không thể ngủ nổi. Trong đầu hiện lên những cảnh tượng u ám: Tuấn quỳ gối van xin, bị chủ nợ ép viết giấy bán nhà, bố mẹ tôi mất chỗ ở...

Điều đáng sợ hơn là: nhà bố mẹ tôi vẫn đứng tên sổ đỏ. Nếu Tuấn tìm cách thuyết phục hoặc ép buộc, ông bà có khi cũng sẽ bán để cứu lấy đứa con trai duy nhất.

Sáng hôm sau, tôi lấy cớ gọi điện hỏi han Tuấn. Giọng nó ảo não, bảo có thể phải bán nhà mới xử lý được nợ. Tôi lạnh người, vậy là nó đã nhắm đến căn nhà bố mẹ.

Tôi liền gọi về cho mẹ, giả vờ nhắc nhở: "Mẹ giữ kỹ sổ đỏ nhé, giờ bọn lừa đảo lắm!"

Mẹ tôi cười tươi: "Yên tâm, Tuấn giữ giúp mẹ rồi. Nó quen biết rộng, không ai lừa được đâu con."

Tôi chết lặng. Vậy là sổ đỏ đã nằm trong tay Tuấn. Giờ nó cắm lúc nào cũng được, mà bố mẹ tôi thì chẳng mảy may nghi ngờ.

Vợ chồng tôi ngồi bàn cách lấy lại sổ đỏ nhưng không biết phải mở lời thế nào để bố mẹ không bị sốc. Nếu nói thật, e là mẹ tôi suy sụp. Nhưng nếu chậm trễ, thì căn nhà ông bà sống bao năm có thể sẽ không còn là của họ nữa...

Thạch Anh (t/h)