Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đăng Định, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) chia sẻ, ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, khép lại một thời kỳ chiến tranh khốc liệt, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng vĩ đại ấy là thành quả của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự hy sinh của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước. Có những người đã nằm lại mãi mãi nơi chiến trường, có những người trở về với thương tích, có những người tiếp tục miệt mài đóng góp trong thời bình… Nhưng dù ở bất kỳ cương vị nào, họ vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường…

“Sau chiến tranh, các đồng chí trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục là những công dân gương mẫu, những người đi đầu trong xây dựng kinh tế, văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, giáo dục thế hệ trẻ. Nhiều đồng chí tích cực tham gia công tác địa phương, xây dựng tổ dân phố, cộng đồng dân cư văn hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của cơ sở và quận Hoàn Kiếm. Những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm vì cộng đồng, vì quê hương của các đồng chí đã và đang tiếp thêm động lực, niềm tin cho thế hệ trẻ hôm nay.
Thay mặt Đảng bộ và chính quyền quận Hoàn Kiếm, tôi xin bày tỏ sự trân trọng, lòng biết ơn và sự cảm phục sâu sắc trước những hy sinh, cống hiến của các đồng chí trong cả thời chiến và thời bình. Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống anh hùng cách mạng, thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với người có công, đồng thời tăng cường các hoạt động tri ân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, các gia đình thương binh, liệt sĩ…”, ông Vũ Đăng Định bày tỏ.

Đại diện các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia các cuộc chiến đấu làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, Thiếu tướng Nguyễn Nhật Kỷ (Chính trị viên Đại đội Bộ binh 2, Tiểu đoàn 7, Lữ đoàn 52, Quân khu 5 trong chiến dịch Mùa Xuân năm 1975) kể lại, đầu năm 1975, Lữ đoàn 52 từ khu chiến Tây Nam Quảng Ngãi tiến ra Tây Quảng Nam, cùng Sư đoàn 2 (Quân khu 5) tấn công 2 chi khu quận lỵ Tiên Phước và Phước Lâm (phía tây thị xã Tam Kỳ). Ngày 10/3/1975, ông cùng đồng đội nổ súng tấn công, cùng ngày với trận then chốt mở màn ở Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên. Sau một ngày chiến đấu, Lữ đoàn 52 cùng Sư đoàn 2 và các lực lượng của địa phương đã làm chủ hai chi khu quận lỵ, tạo điều kiện cho nhân dân các xã nổi dậy, giành chính quyền giải phóng toàn huyện, gây áp lực chuẩn bị tấn công thị xã Tam Kỳ.
Sau đó, thế địch đã vỡ và hoang mang cực độ, ông Nguyễn Nhật Kỷ và đồng đội được lệnh dời khu chiến Tây Quảng Nam, cấp tốc quay lại tấn công thị xã Quảng Ngãi. Ngày 24/3/1975, khi nghe tiếng pháo nổ và xe tăng của ta tấn công, địch hoảng hốt tháo chạy. Chớp thời cơ, các lực lượng và nhân dân địa phương nổi dậy, giành chính quyền ở các cấp trong toàn tỉnh….

“Khi quân ta đánh chia cắt chiến dịch, cô lập địch ở Xuân Lộc với Biên Hòa và Bà Rịa, địch thất thủ sau 12 ngày đêm (từ 9/4 - 20/4/1975). Đây cũng là trận đánh quyết liệt nhất trong 5 cánh quân, khi đánh chiếm các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, nhằm tạo thế cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Mở thông ‘cánh cửa thép’ Xuân Lộc, Lữ đoàn 52 chúng tôi trong đội hình Quân Đoàn 4, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công quyết liệt theo hướng quốc lộ 1, phá vỡ các khu vực phòng thủ của địch ở Trảng Bom, Hố Nai và thị xã Biên Hòa. Vào nội đô Sài Gòn chiều 30/4/1975, Lữ Đoàn 52 tiếp quản 13 mục tiêu ở Quận 3 và Quận 10. Đại đội 2 của tôi tiếp quản trại Triệu Đà…”, Thiếu tướng Nguyễn Nhật Kỷ chia sẻ.
Vinh dự, tự hào khi được gặp mặt, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, chị Nguyễn Diệu Linh, Đảng viên trẻ tiêu biểu quận Hoàn Kiếm bày tỏ: “Nhìn lại hành trình hào hùng của dân tộc, chúng cháu mãi ghi nhớ sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh, những người đã hiến dâng tuổi xuân, xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc… Hôm nay, đại diện cho thế hệ trẻ quận Hoàn Kiếm, chúng cháu tự hào tiếp nối truyền thống anh hùng ấy, không ngừng học tập, rèn luyện, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.