Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Giá vàng liên tục phá đỉnh lịch sử: Đầu cơ mắc kẹt trong vòng lặp rủi ro?

Giá vàng tăng mạnh, lập đỉnh cao mọi thời đại. Việc người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ lúc giá tăng kỷ lục sẽ dễ bị mắc kẹt trong vòng lặp tài chính, đối diện rủi ro rất cao.

Giá vàng lập đỉnh mới, có thể lên 3.500 USD/ounce

Sau vài phiên lặng sóng, giá vàng từ ngày 26-28/3 bất ngờ tăng dữ dội. Đặc biệt, phiên 28/3 tăng tới gần 2 triệu đồng mỗi lượng ở chiều bán.

Đáng chú ý, giá vàng miếng SJC ngày 28/3 lập kỷ lục mới ở mốc 98,7-100,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), cao hơn so với mức đỉnh 98,6-100,4 triệu đồng/lượng (mua - bán) được thiết lập vào sáng 20/3. Giá vàng nhẫn cũng tăng lên sát đỉnh cũ 100,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán.

Vốn được coi là hàng rào phòng hộ trước bất ổn và lạm phát, giá vàng đã tăng hơn 18% kể từ đầu năm. Giá vàng giao ngay này 28/3 đã lên mốc kỷ lục 3.085 USD/ounce

Đợt tăng giá mạnh của kim loại quý lần này là do các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn do lo ngại về kinh tế và địa chính trị, xuất phát từ chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump liên tục đưa ra các đợt áp thuế dồn dập với cả những đồng minh của Mỹ, các chính sách thuế liên tục thay đổi và trì hoãn vào phút chót, tạo ra sự bất ổn lớn trong thương mại toàn cầu.

Ngày 27/3, ông Trump thông báo áp thuế 25% với xe nhập vào Mỹ. Ngay lập tức, hàng loạt chính phủ tuyên bố sẽ trả đũa.

Phản ứng với các động thái trên, giá vàng trong nước và trên thế giới đều chạm mốc kỷ lục chưa từng có.

Nhiều tổ chức tài chính đã nâng dự báo triển vọng giá vàng có thể đạt đến 3.200 USD/ounce, thậm chí lên đến 3.500 USD/ounce trong quý II/2025 nếu bất ổn kinh tế tăng

Bank of America (BofA) vừa nâng dự báo giá vàng trung bình đạt 3.063 USD và 3.350 USD mỗi ounce cho năm nay và năm sau, tăng so với dự báo trước đó lần lượt là 2.750 USD và 2.625 USD mỗi ounce.

gia-vang-1-0543-1743218891.webp

Tuần trước, Citi Research nâng dự báo giá vàng 3 tháng tới từ mức 3.000 USD lên 3.200 USD mỗi ounce, do nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực chính thức và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Citi Research cũng dự báo giá vàng có thể đạt 3.500 USD/ounce vào cuối năm, được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng hộ và đầu tư cao hơn đáng kể do lo ngại về suy thoái nghiêm trọng hoặc tình trạng lạm phát trì trệ (stagflation) tại Mỹ.

Ngân hàng Goldman Sachs mới đây cũng nâng dự báo về giá vàng từ 3.100 lên 3.300 USD mỗi ounce vào cuối năm nay. Nguyên nhân là do nhu cầu mạnh hơn kỳ vọng của các ngân hàng trung ương và quỹ ETF.

Ông Peter Grant, Phó chủ tịch kiêm chiến lược gia cấp cao tại Zaner Metals nhận định: nhu cầu trú ẩn an toàn tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong bối cảnh căng thẳng thuế quan và rủi ro địa chính trị leo thang. Nếu vượt qua mức đỉnh cũ, giá vàng có thể hướng tới mục tiêu tiếp theo là 3.150 USD/ounce.

Cùng quan điểm, ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao ở RJO Futures, cho rằng, giá vàng trong những hợp đồng tương lai có thể sớm lên mức 3.100 USD/ounce. Chất xúc tác là do nhu cầu trú ẩn".

Song cũng không ít ý kiến lo ngại rằng vàng có thể trải qua một đợt bán tháo mạnh.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng đợt tăng lên 3.000 USD/ounce hiện nay có thể đang lặp lại mô hình giống năm 2011, khi vàng đạt mức cao kỷ lục lúc đó là trên 1.900 USD, sau đó bị bán tháo mạnh sau 3 năm tăng liên tục…

Cách nào hạ nhiệt giá vàng?

Theo các chuyên gia, bên cạnh sự tác động của giá thế giới thì giá vàng trong nước sẽ hạ khi người dân không đổ xô mua vào và Nhà nước có biện pháp can thiệp như tăng nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Giá vàng liên tục lên cơn sốt, trong khi công ty vàng không có đủ vàng để bán cho người dân. Nguyên nhân là do nguồn cung vàng bị hạn chế, đặc biệt là vàng miếng, do việc nhập khẩu và phân phối chịu sự kiểm soát chặt chẽ.

gia-vang-2-0544-1743218884.webp

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), cho rằng do nguồn cung vàng trong nước hạn chế, các đơn vị lớn bán nhỏ giọt đã khiến yếu tố tâm lý trên thị trường bị đẩy lên cao, nhất là đối với vàng nhẫn.

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị cần cho phép nhập khẩu vàng để giúp thị trường vàng "có vào - có ra".

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, việc nhập khẩu vàng sẽ giúp đáp ứng một phần nhu cầu mua của người dân. Khi nguồn cung hạn chế sẽ dẫn đến giá tăng cao. Do đó, tăng nguồn cung là giải pháp căn cơ để hạ nhiệt giá vàng. "Cơ quan quản lý cần cho các nhà kinh doanh nhập khẩu vàng và chuyển sang vai trò là nhà quản lý, giám sát”, ông Hiếu đề xuất.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - đánh giá, thời gian qua nguồn cung vàng miếng SJC chủ yếu là từ NHNN bán bình ổn. Do giá vàng ngày càng tăng, người dân không bán ra nên nguồn cung càng khan hiếm. Vì vậy, cơ quan quản lý cần cho nhập khẩu vàng.

Trong khi đó, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ ngành vàng trang sức, tránh việc gom chung vàng nguyên liệu và vàng miếng vào một nhóm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần tạo điều kiện để xuất khẩu sản phẩm vàng trang sức, thu về ngoại tệ cho đất nước.

Chuyên gia Trần Duy Phương cho hay có hai phương án để tăng nguồn cung vàng nguyên liệu cho thị trường, đó là cấp quota (hạn mức) cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng hoặc NHNN nhập vàng nguyên liệu về rồi bán lại cho doanh nghiệp.

Ông Phương cũng cho rằng, người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ lúc giá tăng kỷ lục sẽ dễ bị mắc kẹt trong vòng lặp tài chính, dẫn đến rủi ro rất cao. “Người dân không nên mua vì tâm lý đám đông, mua để "lướt sóng" bởi giá vàng đang có nhiều biến động khó lường. Nếu có nhu cầu mua vào thì có thể chờ thời điểm giá điều chỉnh xuống”, ông Phương tư vấn.

Ông Huỳnh Trung Khánh cũng khuyến cáo không nên mua vì tâm lý đám đông, mua để "lướt sóng" bởi giá vàng thế giới tăng mạnh tới 18% so với hồi đầu năm. Giá vàng sẽ giảm do áp lực chốt lời.

Minh Anh/VNF